Thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khoẻ cây trồng (IPHM) trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030
Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Khu vực Đông Nam Á (ASEAN) thực hiện chương trình quản lý sức khoẻ cây trồng, IPHM được viết tắt chữ cái đầu của từ tiếng anh (Integrated Plant Health Management) vào thực tiễn sản xuất Nông nghiệp. Nhằm tận dụng tiềm năng, lợi thế và nguyên liệu hữu cơ sẵn có tại chỗ để sản xuất phân bón hữu cơ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng vật tư đầu vào sinh học, cân đối dinh dưỡng giữa phân hữu cơ và vô cơ cho cây trồng, bảo vệ ký sinh thiên địch, duy trì và nâng cao sức khỏe đất, cân bằng hệ sinh thái phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, môi trường sinh thái, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất.
Liên hợp quốc đã tuyên bố năm 2020 là “Năm Quốc tế về sức khỏe cây trồng”. Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã tổ chức sự kiện “Năm sức khỏe cây trồng 2020” nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng về kinh tế - xã hội và môi trường của Sức khỏe cây trồng đối với việc cải thiện an ninh lương thực toàn cầu và hướng tới xoá đói giảm nghèo.
Ngày 27/5/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 1909/QĐ-BNN-KH ban hành Chương trình hành động triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam được xác định là một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2021- 2030. Ngày 23/9/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục ban hành Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV về việc phê duyệt “Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”.
Sự khác biệt của quản lý sức khoẻ cây trồng (IPHM) và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Chủ yếu nằm ở phương pháp và cách tiếp cận. Cụ thể, IPM muốn kiểm soát dịch hại, đặt dịch hại làm làm trung tâm để bảo vệ cây trồng, biện pháp IPM nhấn mạnh đến phòng chống dịch hại. Trong khi quản lý sức khoẻ cây trồng (IPHM) lấy cây trồng làm trung tâm, sức khỏe cây trồng nâng cao, cây trồng phòng chống chịu được với ngoại cảnh và dịch hại.
Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) được phát triển dựa trên nền tảng Quản lý SVGH tổng hợp (IPM) vì các nguyên tắc, biện pháp kỹ thuật áp dụng trong IPM đã cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, IPHM bổ sung một số nội dung chuyên sâu mà IPM chưa đề cập tới hoặc đề cập nhưng chưa rõ ràng, chưa thực sự nổi bật như sức khỏe giống, sức khỏe đất, sản xuất tuần hoàn, biến đổi khí hậu, ... và một số nội dung về tổ chức sản xuất, thị trường, thương hiệu, công nghệ số, ...
Cách tiếp cận IPHM được đánh giá là phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp trong tình trạng biến đổi khí hậu, ngăn ngừa suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển nâng cao chuỗi giá trị kinh tế, tăng cường hợp tác công tư (PPP) theo định hướng của Việt Nam hiện nay. Để hiểu rõ về Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) dựa trên 6 nguyên tắc cơ bản gồm:
1. Đất khỏe (đất giúp điều tiết nước và các chất hòa tan đi xuống hoặc qua đất; đất duy trì sự sống của thực vật và động vật, sự đa dạng và năng suất của các sinh vật sống phụ thuộc vào đất; đất lọc và làm giảm, ngăn ngừa các ô nhiễm tiềm tàng; đất giúp sự ổn định và hỗ trợ về mặt vật lý);
2. Cây trồng khỏe (gồm giống tốt, mật độ phù hợp, dinh dưỡng hợp lý, sinh vật gây hại thấp, đảm bảo năng suất chất lượng, sức chống chịu với ngoại cảnh…);
3. Đầu tư thông minh (chọn lọc các kỹ thuật tiên tiến của thời kỳ cách mạng 4.0 ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp cao);
4. Bảo vệ môi trường sinh thái (bảo vệ địa chất, đất, không khí, nước và tất cả các sinh vật sống,..;
5. Giám sát và kiểm tra đồng ruộng (người nông dân nâng cao trình độ hiểu biết, nắm được tình hình sinh trưởng phát triển cây trồng, biết được dịch hại, thời tiết, đất, nước và đánh giá so sánh được vụ này với vụ khác, năm này với năm khác để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời);
6. Nông dân chuyên nghiệp và có trách nhiệm (người nông dân phân tích, nhìn nhận, so sánh các yếu tố trên đồng ruộng, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý, tuyên truyền kinh nghiệm, kiến thức, chia sẻ cho người nông dân khác, bảo vệ an ninh lương thực cho địa phương, quốc gia).
Trên cơ sở khoa học về vai trò: Giống; đất; đa dạng sinh học; nền tảng IPM; Chuyển đổi số vào sản xuất. Chi cục Trồng trọt và BVTV tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 14/3/2024 phát triển quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030. Mục tiêu của Kế hoạch: Phát triển quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) nâng cao khả năng phòng chống SVGH và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Kế hoạch bao gồm 7 nhiệm vụ chính: Tăng cường nguồn lực phát triển IPHM; Nâng cao nhận thức về quản lý sức khoẻ cây trồng (IPHM); Xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM; Rà soát, lồng ghép IPHM trong các quy hoạch, chiến lược và chương trình, đề án có liên quan; Xây dựng chỉ tiêu đánh giá và định mức kinh tế - kỹ thuật; Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ IPHM; Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất.
Chi cục Trồng trọt và BVTV tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch số 446/KH-SNN ngày 11/02/2025 về Triển khai Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 202 mã số vùng trồng và 8 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; 11 mã số lĩnh vực trồng trọt. Việc ứng dụng quản lý sức khoẻ cây trồng (IPHM) và các tiến bộ khoa học kỹ thuật, để chất lượng sản phẩm tăng lên, việc xuất khẩu càng trở nên thuận lợi. Do đó, để có thể phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiện đại đến năm 2030, cần sự quan tâm, vào cuộc từ các cấp, các ngành, đầu tư mở rộng và áp dụng các mô hình, tiến bộ kỹ thuật như: 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm; canh tác cải tiến (SRI), mô hình tưới nhỏ giọt hay tưới tiết kiệm; giải pháp sinh học trong phòng chống sinh vật gây hại; đẩy mạnh sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học. Ứng dụng công nghệ 4.0 trong chuyển đổi số vào canh tác và tra cứu thông tin để chủ động kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu các nguy cơ gây mất an toàn sản phẩm nông nghiệp, sử dụng cân đối và tối ưu vật tư đầu vào, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gia tăng lợi nhuận cho nông dân./.