Kiến vừa là thiên địch của nhiều loại sâu hại, tuy nhiên kiến cũng là tác nhân gây ảnh hưởng và cản trở tới quá trình thu hoạch cà phê, cản trở cho sự phát triển của cây, quả cà phê khi quá nhiều.
Vì vậy việc quản lý và xử lý kiến đúng mức, đúng chỗ, đúng thời gian sẽ đảm bảo việc sử dụng được các loài kiến mà vẫn đảm bảo điều kiện tốt để thực hiện quá trình thu hoạch cà phê, đảm bảo cho cây cà phê tiếp tục phát triển, chống chịu sâu bệnh tốt.
1. Đặc điểm nhận diện một số loài kiến chính trên vườn cà phê
- Kiến đen (Dolichoderus thoradcus): Đây là loại kiến có màu đen, nhỏ và thường làm tổ trên cây, cành, quả cà phê. Kiến ít cắn người nhưng khi bò vào người thì làm khó chịu cho người chăm sóc, thu hái cà phê.
Ảnh: Tổ kiến trên vườn cà phê
- Kiến vàng (Oecophylla smaragdina): Đây là loài thiên địch của khá nhiều sâu gây hại trên vườn cà phê như: sâu xanh, rệp, nhện, sâu đục quả. Do đó nếu mức độ kiến không ảnh hưởng thì nên giữ lại kiến vàng để làm thiên địch cho các loại sâu gây hại và giảm bệnh. Kiến vàng có thể cắn và làm ngứa người trong quá trình chăm sóc, thu hoạch quả.
- Kiến lửa đỏ (Solenopsis invicta): Là loài kiến xuất hiện ít trên cây cà phê, tuy nhiên có xuất hiện dưới đất trồng cây cà phê. Chỉ trong trường hợp rất nhiều mới xử lý loài này, trong trường hợp ít và ít ảnh hưởng tới quá trình chăm sóc, thu hoạch thì không nên xử lý.
2. Biện pháp quản lý kiến
Việc xác định được loài kiến, số lượng và quy mô của kiến để có phương pháp xử lý thích hợp cho vườn cà phê. Giúp cho quá trình thu hoạch thuận lợi, không để nhân công thu hoạch bị ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Thời gian kiểm tra: Trước 7-10 ngày thu hoạch.
- Cách thức: Quan sát xác định loài kiến hiện diện trên vườn. Quan sát, xác định mức độ của kiến: kiến ít - chỉ có một số con trên cây cà phê thì không cần xử lý kiến. Kiến nhiều - tạo thành tổ trên lá, cây, quả cà phê, kiến bám đầy trên cành, lá và quả thì xác định cần phải xử lý trước thu hoạch. Tiến hành lựa chọn phương pháp xử lý kiến phù hợp với quy trình kỹ thuật.
- Quản lý và xử lý kiến: Khi trên vườn có lượng kiến quá nhiều, ảnh hưởng lớn tới sinh trưởng, phát triển cây và quá trình thu hoạch quả. Một số biện pháp có thể áp dụng:
+ Bổ sung thức ăn cho kiến để chúng giảm hoạt động tìm kiếm thức ăn. Cắt cành có tổ kiến chuyển sang cây đã thu hoạch. Không thu hoạch các cây có nhiều tổ kiến để giữ đàn kiến.
+ Quản lý kiến bằng phương pháp sử dụng mồi dẫn dụ kiến nhằm giảm thiểu việc diệt kiến. Phương pháp này sẽ dẫn dụ kiến về tổ chính để không cần phun thuốc diệt kiến. Sử dụng các chất dẫn dụ có chứa dinh dưỡng cao hoặc chứa nhiều đường là các chất thích hợp làm thức ăn cho kiến: sữa, đường, baking soda, mật ong, mật mía…
+ Tuyên truyền, phổ biến nông dân nhận biết và áp dụng giải pháp tại các cây cà phê có các tổ kiến nửa hoặc kiến vàng, hạn chế mức thấp nhất sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc hoá học để duy trì quần thể kiến, tạo sự khống chế sâu hại cà phê. Lưu ý trong quá trình chăm sóc, thu hoạch có sử dụng thuốc trừ sâu, khuyến cáo nông dân tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV, ưu tiên hoặc lựa chọn thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học, thảo mộc./.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật