Quy định khu vực, địa điểm đổ thải đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Sơn La
Ngày 20/4/2025, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số
41/2025/QĐ-UBND về việc Ban hành Quy định khu vực, địa điểm đổ thải đối với vật
chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Sơn La
Quy định khu vực, địa điểm đổ thải đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Sơn La gồm 7 Điều.
Đối tượng áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có liên quan đến khu vực, địa điểm đổ thải đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Các quy định về khu vực, địa điểm đổ thải vật chất nạo vét bao gồm:
1. Khu vực, địa điểm đổ thải phải phù hợp với Quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương và các quy hoạch khác có liên quan của Trung ương, địa phương; phải được Ủy ban nhân dân tỉnh công bố và chấp thuận như đối với khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 57/2024/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
2. Khu vực, địa điểm để tiếp nhận vật chất nạo vét trên bờ phải có vị trí thuận lợi để đảm bảo việc thu gom, vận chuyển vật chất nạo vét từ vùng nước đường thủy nội địa đáp ứng được các quy định pháp luật về khoảng cách an toàn đến khu vực dân cư sinh sống tập trung, trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa, xã hội, lịch sử, trung tâm công nghiệp, các nguồn nước, sông, hồ.
3. Khu vực, địa điểm để tiếp nhận vật chất nạo vét trên bờ phải có điều kiện địa chất, thủy văn phù hợp; bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan, an ninh trật tự, không xâm phạm chỉ giới giao thông, bảo đảm các quy định về hành lang bảo vệ công trình đường bộ, đường thủy nội địa và các quy định pháp luật liên quan.
4. Khu vực, địa điểm đổ thải phải được xây dựng bờ bao hoặc tường chắn bảo đảm về chiều cao, độ dày phù hợp với từng khu vực đổ thải; xung quanh khu vực phải có hệ thống lọc nước và thoát nước để bảo đảm không để vật chất nạo vét tác động xấu đến môi trường.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao trách nhiệm Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý khu vực, địa điểm đổ thải chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Uỷ ban nhân dân tỉnh công bố danh mục khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ theo quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định số 57/2024/NĐ-CP; hằng năm, xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác quan trắc và giám sát môi trường đối với các khu vực, địa điểm đổ thải theo quy định.
Ngoài ra UBND tỉnh cũng giao Sở Xây dựng, Công an tỉnh, UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động đổ thải vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn vị trí để sử dụng làm khu vực, địa điểm đổ thải đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa phục vụ việc công bố danh mục khu vực, địa điểm tiếp nhận vật chất nạo vét trên bờ.
Tải về