Hiệu quả triển khai dự án nông nghiệp dinh dưỡng- góp phần nâng cao sức khỏe và sinh kế cộng đồng
Dự án “Cải thiện sinh kế của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La thông qua nông nghiệp và cải thiện dinh dưỡng” được triển khai từ tháng 7/2023 do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ thông qua Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tại Việt Nam được UBND tỉnh Sơn La tiếp nhận theo Quyết định số 1305/QĐ-UBND ngày
Dự án triển khai tại 6 xã của hai huyện Sốp Cộp và Bắc Yên, thuộc các huyện nghèo nhất của tỉnh Sơn La. Trong đó 3 xã có gần 100% tỷ lệ dân số là người dân tộc Mông - đây là nhóm dân tộc nghèo, có điều kiện sống khó khăn nhất.
Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện sinh kế của người dân tộc thiểu số thông qua sản xuất nông nghiệp, chú ý đến bình đẳng giới, an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Dự án phối hợp thực hiện liên ngành giữa ngành Nông nghiệp (trực tiếp là cán bộ khuyến nông), ngành Y tế với sự đồng hành của các tổ chức phát triển, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư thông qua hỗ trợ kỹ thuật canh tác, phát triển mô hình trồng trọt chăn nuôi kết hợp với truyền thông dinh dưỡng cộng đồng, góp phần giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và phụ nữ mang thai, cải thiện kiến thức và hành vi dinh dưỡng của người dân, tăng thu nhập, đang dạng hóa sinh kế nông hộ theo hướng bền vững.
Ảnh: Cán bộ dự án hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc và cách chăm sóc gà giống sau khi tiếp nhận
Ảnh: Hoạt động nấu cháo dinh dưỡng cho trẻ
Được sự hỗ trợ của dự án, đa số các hộ gia đình đã dần thay đổi tập quán canh tác theo hướng tích cực hơn, từ việc chăn nuôi tự nhiên theo thói quen trước đây như: thả rông trâu, bò, lơn, gà; vật nuôi không tiêm phòng vacxin; không làm vườn trồng rau, .v.v, đến nay các hộ đã biết cách làm chuồng trại; tiêm vacxin phòng bệnh cho gà; làm vườn rau có rào che chắn, trồng các loại rau theo mùa, kể cả mùa khô. Nhờ đó, gà nuôi ở các hộ gia đình được dự án hỗ trợ trải qua một số lần dịch bệnh nhưng tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh, không bị chết (trong khi giống gà địa phương do người dân tự nuôi đã bị chết do dịch bệnh); người dân đã thu được trứng để cung cấp cho bữa ăn hàng ngày của trẻ và gia đình, đồng thời để tái đàn.
Ảnh: Đàn gà lớn nhanh, khoẻ mạnh, đẻ khoẻ
Ảnh: Hiệu quả của hoạt động cung cấp hạt giống rau cho hộ dân

Ảnh: Hiệu quả từ hoạt động cung cấp lợn giống địa phương
Các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới đã giúp cho người dân trong vùng dự án, đặc biệt là ở các xã vùng cao lần đầu tiên được trao đổi cởi mở giữa nam và nữ về các vấn đề như phân công lao động, quyền quyết định, quyền sở hữu và chi tiêu trong mỗi gia đình. Qua đó, nhiều bất cập về bình đẳng giới đã được chính người dân tìm ra và cùng nhau thống nhất phương án cải thiện trong thời gian tới.
Đội ngũ cán bộ y tế huyện, xã và y tế, phụ nữ thôn bản được cung cấp kiến thức, kỹ năng truyền thông trong chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em tập trung vào 1000 ngày đầu đời của trẻ. Họ sẽ sử dụng những kiến thức và kỹ năng đã được đào tạo để thực hiện tốt các hoạt động/dịch vụ liên quan đến dinh dưỡng không chỉ trong phạm vi dự án JMOFA, mà còn cho các hoạt động y tế đã khác trên địa bàn.
Phụ nữ mang thai được tham gia các cuộc họp nhóm, từ đó được chia sẻ, tư vấn, cung cấp các thông tin và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai (khám thai định kỳ, tiêm phòng, sinh đẻ tại cơ sở y tế, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi).
Bà mẹ và người chăm sóc trẻ được tham gia các buổi hướng dẫn cách nấu bát bột/cháo đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho trẻ; nhận biết và sử dụng đa dạng thực phẩm có sẵn tại địa phương vào bữa ăn hàng ngày của trẻ. Qua đó họ được nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc dinh dưỡng đúng cho trẻ.
Trẻ dưới hai tuổi được cân, đo theo dõi tăng trưởng và phát triển hàng tháng. Các số liệu này được thống kê lại để theo dõi tình trạng tăng trưởng của trẻ, dự phòng và phát hiện sớm các trường hợp trẻ suy dinh dưỡng để can thiệp sớm và kịp thời.
Các trẻ suy dinh dưỡng được tham gia vào các buổi tư vấn và hướng dẫn định kỳ hàng tháng của trung tâm giáo dục phục hồi dinh dưỡng, từ đó họ dần dần hay đổi thói quen, hành vi chăm sóc dinh dưỡng đúng cho trẻ.
Thông qua cách tiếp cận cũng như kết quả bước đầu từ các hoạt động can thiệp của dự án, các cấp chính quyền và người dân đã dần nhận thức rõ việc cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân đặc biệt là tại các vùng khó khăn, hộ nghèo, là hết sức cần thiết. Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ nhỏ trong những năm đầu đời là rất quan trọng, do đó đòi hỏi có sự phối hợp đa ngành, sự vào cuộc chỉ đạo của lãnh đạo UBND tại mỗi địa phương.
Trong quá trình triển khai các hoạt động đó, cán bộ Khuyến nông giữ vai trò nòng cốt, là người hướng dẫn kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, là người thúc đẩy nhận thức cộng đồng về dinh dưỡng và sức khỏe, là đầu mối kết nối giữa người dân, chính quyền, các tổ chức hỗ trợ và là người giám sát các hoạt động. Họ chính là mắt xích quan trọng giúp chuyển hóa các mục tiêu của dự án thành kết quả thực tế, góp phần cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Trong bối cảnh nhiều vùng nông thôn vẫn còn đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng, mất an ninh lương thực và thu nhập bấp bênh, Dự án Nông nghiệp Dinh dưỡng đã và đang mang lại một hướng đi mới, tích hợp sản xuất nông nghiệp với cải thiện sức khỏe và sinh kế cộng đồng./.