image banner
Thâm canh mận ứng dụng công nghệ cao - Hướng đi mới của nông dân Yên Châu
Lượt xem: 73
Mận hậu là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Sơn La nhờ vào điều kiện tự nhiên thuận lợi với khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao và đất đai màu mỡ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cây mận dần bị thoái hóa, khiến năng suất và chất lượng quả giảm, thời gian thu hoạch ngắn, khó khăn trong tiêu thụ và giá bán không cao.

Trước tình hình đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để cải tạo giống, kéo dài thời gian thu hoạch, xây dựng thương hiệu mận địa phương là hướng đi tất yếu. Nhờ đó, nông sản mận không chỉ gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường mà còn mang lại giá trị kinh tế cao hơn

anh tin bai

Ảnh: Phân loại quả sau thu hoạch theo đơn đặt hàng quảng bá sản phẩm

Đầu tháng 3/2025 là thời điểm mận đang giai đoạn ra hoa và hình thành quả non thì tại xã Phiêng Khoài người dân đang nô nức thu hoạch mận hậu sớm. So với các khu vực khác còn gần hai tháng nữa mận hậu mới vào chính vụ, nhưng nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật rải vụ, nhiều hộ dân nơi đây đã bắt đầu thu hoạch những lứa quả đầu tiên.

 Gia đình bà Nguyễn Thị Mơ, thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc (xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu), là một trong những hộ đi đầu trong việc áp dụng mô hình này. Nhờ đầu tư hệ thống tưới, hạ tán, tỉa cành và điều khiển ra hoa, vườn mận của gia đình bà cho thu hoạch sớm, đưa giá bán trung bình từ 100.000 -

120.000 đ/kg, cao gấp mười lần so với giá chính vụ những năm trước (giá mận hậu chỉ dao động từ 10.000 - 15.000 đ/kg).

anh tin bai

Ảnh:  Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Châu thăm và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc tại vườn

Bà Mơ phấn khởi chia sẻ: "Trước đây, vụ thu hoạch chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá mận hậu thấp. Sau khi được thăm quan, học hỏi các mô hình điểm và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật khuyến nông, gia đình tôi đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, nhờ có vườn mận ra quả sớm gia đình tôi đã không còn lo lắng về đầu ra, thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua đến đó".

Để có được thành công đó, Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã chủ động phối hợp với UBND các xã Phiêng Khoài, Yên Sơn, Chiềng On, Lóng Phiêng tổ chức nhiều lớp tập huấn khuyến nông tự nguyện về kỹ thuật trồng, chăm sóc mận và đẩy mạnh tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu “Mận Hậu Yên Châu”.

anh tin bai

Ảnh: Nông dân đang thu hái mận hậu sớm

Theo Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài cho biết: Nhờ sự đầu tư đúng hướng, nhiều gia đình đã đạt thu nhập 250 - 300 triệu đồng/năm/ha, thậm chí có hộ ông Nguyễn Văn Năm với 6ha tổng thu hơn 2 tỷ đồng. Mô hình thâm canh mận ứng dụng công nghệ cao không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn giúp người dân làm giàu trên chính quê hương, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Việc áp dụng kỹ thuật thâm canh mận hậu rải vụ kết hợp với xây dựng thương hiệu và vùng nguyên liệu áp dụng công nghệ cao là một hướng đi mới giúp kéo dài thời gian thu hoạch, tránh tình trạng thu hoạch đồng loạt gây rớt giá, đồng thời nâng cao thu nhập cho bà con nông dân./.

                                                     Nguyễn Huyền Trang - Trung tâm Khuyến nông

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1