image banner
Bệnh nghẹt rễ và biện pháp quản lý
Lượt xem: 73
Hiện nay lúa xuân trên địa bàn tỉnh đang giai đoạn gieo cấy - hồi xanh - đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ. Thời tiết diễn biến phức tạp có những ngày rét đậm, rét hại xen kẽ các đợt nắng nóng, khô hạn tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại ngay từ đầu vụ, đặc biệt bệnh nghẹt rễ. Để bà con nhận biết bệnh và có biện pháp quản lý tốt, chúng tôi xin giới thiệu triệu chứng, nguyên nhân và các biện pháp khắc phục 

Triệu chứng bệnh: Biểu hiện ban đầu là đầu lá chuyển sang màu vàng, sau đó lan dần toàn bộ cây lúa, dần chuyển sang màu nâu đỏ, khô đỏ, cứng khô, đẻ nhánh ít hoặc không đẻ được; cây còi cọc, sinh trưởng chậm hoặc đứng yên tại chỗ (nếu bị nhẹ), không thể tiếp tục sinh trưởng được (nếu bị nặng). Nhổ cây lên thấy bộ rễ có màu nâu, không ra rễ mới, cây bị nặng rễ màu đen, có mùi hôi tanh. Khi bệnh nặng có thể gây chết lụi hàng loạt.

anh tin bai

anh tin bai

Ảnh minh hoạ (Nguồn Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật)

Nguyên nhân gây bệnh:

Bệnh nghẹt rễ lúa là bệnh sinh lý, không có khả năng lây lan, có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng tất cả mọi nguyên nhân đều dẫn đến tình trạng thiếu ôxy trong đất làm cho bộ rễ cây lúa không hô hấp được, không hấp thụ được nước, chất dinh dưỡng, không xảy ra các phản ứng hóa sinh dẫn đến sinh trưởng kém, suy kệt và chết lụi. Bệnh thướng xuất hiện trong các trường hợp sau đây:

Cấy lúa vào những ngày trời rét đậm, rét hại, nhiệt độ không xuống thấp dưới 160C. Lúa cấy vào những ngày này bộ rễ lúa nói riêng và cả cây lúa nói chung không hề tiếp tục sinh trưởng, phát triển (ngừng hoạt động). Khi cấy cây lúa còn non bộ rễ ngừng hoạt động do nhiệt độ thấp, mất vài ngày để phục hồi, lượng bùn đất  nén chặt quanh gốc cây lúa, làm cho rễ lúa đã ngừng hoạt động do rét quá, quanh rễ lúa lại bị bùn đất nén chặt gây ra tình trạng thiếu ôxy để thở (yếm khí).

Tại những vùng đồng ruộng sâu trũng, nước ngập quanh năm và những chân ruộng sâu sục bùn quanh năm ngập nước; những ruộng khô hạn, khả năng chủ động về nước kém; những khu vực ruộng mới chuyển đổi canh tác có tỷ lệ đất sét cao, thịt nặng, chưa quan tâm tới việc cải tạo đất trước trồng hầu như ở dưới tầng đất canh tác rất thiếu ôxy do đất vừa bị ngập nước hoặc bị nén chặt. Điều này khiến cho rễ mới không thể phát sinh, rễ cũ bị thối đen, cây lúa không lấy được dinh dưỡng và nước, làm cho các lá già phía gốc vàng trước sau đó các lá phía trên cũng vàng theo dần dần cây lụi và chết.

Bón nhiều phân hữu cơ chưa hoai mục, hoặc trên ruộng còn nhiều tàn dư thực vật không được xử lý,…trong điều kiện nhiệt độ cao, oi nóng khiến cho các hợp chất hữu cơ bị phân giải nhanh làm tiêu hao một lượng lớn oxi trong đất sinh ra nhiều khí độc trong điều kiện yếm khí ngập nước dẫn đến tình trạng thiếu oxy càng trở nên trầm trọng, các khí độc không thoát ra được.

Một số biện pháp quản lý:

Bệnh nghẹt rễ lúa tuy không lây lan như một số bệnh khác. Nhưng nếu không được phát hiện và cứu chữa kịp thời thì trên diện tích lúa bị bệnh sẽ tàn lụi hết. Vì vậy, ngay sau gieo cấy, nhất là những khu vực gieo cấy lúa vào các ngày rét đậm, rét hại vừa qua, cần phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện cây lúa bị bệnh sớm, phòng trừ ngay.

Khi phát hiện thấy lúa bị vàng lá, thậm chí vàng đỏ lá, nhổ bụi lúa lên thấy rễ không phát triển, không ra rễ mới và đã có hiện tượng tàn lụi dần... thì tuyệt đối không bón phân đạm, phân hỗn hợp NPK và các loại phân bón trên lá. Nếu ruộng cạn khô nước thì cho nước vào, bón thêm vôi bột, phân lân (lượng bón 30-40kg/1.000 m2), phân chuồng hoai mục hoặc phun thêm siêu lân, sau đó sục bùn sâu quanh gốc lúa để vừa giải phóng khí độc có trong đất, vừa làm thông thoáng đất để có đủ ôxy cung cấp cho rễ hô hấp và kích thích rễ phát triển. Đối với các ruộng bị ngập nước cần rút cạn nước, phơi ruộng 2 -3 ngày (đủ để ruộng nẻ chân chim), sau đó cho nước vào trở lại.

Đối với các trường hợp bệnh nặng quá và có thể có thêm nấm bệnh gây ra hiện tượng thối thân, thối bẹ thì nên dùng các loại thuốc như: Antracol 700 WG, Kasumin 2L, Kasu 2L… phun theo hướng dẫn có ghi ở bao bì thuốc.

Sau khi xử lý được khoảng 7 ngày, nhổ khóm lúa lên, nếu thấy có rễ mới xuất hiện, rễ trắng và lá lúa đã có hiện tượng xanh trở lại thì lúc bấy giờ mới tiến hành chăm sóc bón phân bình thường. Có thể bổ sung các phân bón qua lá (Đầu trâu, Komic…) giúp cây phục hồi nhanh, sinh trưởng phát triển tốt.

(Bài và ảnh: Nguyễn Thị Liên - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật)

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1