Hiện nay cây ngô đang bước vào thời kỳ sản xuất đại trà, việc áp dụng đúng
quy trình giúp cây ngô sinh trưởng phát trỉnh tốt, nâng cao sức chống chịu điều
kiện ngoại cảnh, tăng sức đề kháng với sinh vật gây hại.
1. Tên quy trình: Quy trình sản xuất cây ngô lấy hạt (ngô thương phẩm) trên địa bàn tỉnh Sơn La
2. Thông tin chung
2.1. Xuất xứ của quy trình
Quy trình được xây dựng dựa trên kết quả thực hiện đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan; tổng kết thực tiễn sản xuất cây ngô trên địa bàn tỉnh; tham khảo các quy trình do các viện, trường, các địa phương...đã ban hành.
2.2. Phạm vi, đối tượng áp dụng
Quy trình sản xuất ngô lấy hạt được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến sản xuất ngô trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc tỉnh Sơn La.
3. Nội dung quy trình
3.1. Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh
3.1.1. Yêu cầu về nhiệt độ
Ngô là cây ưa nóng, nên nhu cầu nhiệt độ cao hơn nhiều cây trồng khác để hoàn thành chu kỳ sống từ khi gieo đến chín. Ngô phát triển tốt trong khoảng nhiệt độ từ 24-300C; nhiệt độ >380C ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Hạt phấn của cây ngô có thể bị chết khi nhiệt độ quá 350C, ngược lại nhiệt độ thấp dưới 120C cũng ảnh hưởng xấu đến quá trình sống của cây, đặc biệt vào giai đoạn nảy mầm, ra hoa.
3.1.2. Yêu cầu về mưa và độ ẩm
Ngô là cây có khả năng chịu hạn hơn so với cây ngũ cốc khác. Quá trình hút nước của rễ rất mạnh, trung bình suốt thời gian sinh trưởng của cây ngô cần 200-280 lít nước, có lượng mưa từ 500-700mm nước là đủ.
Ngô là cây ưa ẩm nhưng sợ úng. Nếu độ ẩm quá cao cây ngô dễ bị đổ hoặc đất bị bí chặt, thiếu oxy làm cho cây còi cọc, lá vàng rồi chết.
3.1.3. Yêu cầu về ánh sáng
Ngô là cây có nguồn gốc nhiệt đới nên chỉ sinh trưởng khỏe, cho năng suất cao trong điều kiện đầy đủ ánh sáng.
3.1.4. Yêu cầu về đất đai
Cây ngô có thể trồng ở nhiều loại đất, thích hợp nhất đất có thành phần cơ giới nhẹ, đất tơi xốp.
3.2. Kỹ thuật trồng, chăm sóc
3.2.1. Tiêu chuẩn giống
Ảnh minh hoạ: Trồng ngô
- Yêu cầu: Lựa chọn giống ngô đưa vào sản xuất phải phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, mục đích và tập quán sản xuất và tuân thủ theo quy định về quản lý giống cây trồng. Lượng giống ngô lai sử dụng cho 1 ha: 18kg
- Khuyến cáo sử dụng giống ngô lai năng suất, giống có khả năng chịu hạn, ít nhiễm sâu bệnh hại.
3.2.2. Làm đất
Trước khi trồng cần dọn sạch cỏ dại, xử lý đất, cày phơi ải,...; nếu có điều kiện nên sử dụng phân bón hữu cơ có bổ sung các vi sinh vật có ích để cải tạo đất và hạn chế nguồn sâu bệnh hại tồn tại trong đất; sau đó tiến hành cày, bừa đất, rạch hàng.
Đối với đất trồng ngô có địa hình dốc có thể sử dụng phương pháp làm đất tối thiểu để hạn chế đất bị xói mòn, rửa trôi.
3.2.3. Mật độ và khoảng cách
- Lượng hạt giống ngô lai cho 1 ha: 18kg
- Mật độ: tùy theo giống, chân đất, địa hình điều chỉnh mật độ khác nhau, thông thường khoảng 70.000 cây/ha; Khoảng cách hàng hẹp tốt hơn rộng. Khoảng giữa các cây thưa thì tốt hơn dày. Mỗi hốc để 1 cây, nên trồng so le nhau. Hàng cách đều 60 - 70cm, cây cách cây 20 - 25 cm. Hàng kép 40 cm và 60 cm hoặc 35 cm và 65 cm, cây cách cây 28 - 30 cm.
3.2.4. Thời vụ và kỹ thuật gieo trồng
- Thời vụ:
+ Vụ Xuân Hè: gieo trong tháng 4 đến tháng 5;
+ Vụ Hè Thu: gieo trong tháng 8 đến tháng 9. Nên bố trí thời vụ thích hợp để đảm bảo giai đoạn mọc mầm và giai đoạn trỗ cờ, phun râu đất đủ độ ẩm tốt nhất để cây mọc mầm và thụ tinh thụ phấn.
- Kỹ thuật gieo trồng: Mỗi hốc để 1-2 cây, nên trồng so le nhau. Hàng cách đều 60 - 70cm, cây cách cây 20 - 25 cm. Hàng kép 40cm và 60cm hoặc 35cm và 65cm, cây cách cây 28 - 30cm.
3.3.5. Chăm sóc
a) Bón phân
- Lượng phân bón cho 1 ha: Phân hữu cơ sinh học 1.000kg (trường hợp không có phân hữu cơ sinh học có thể thay thế bằng phân hữu cơ truyền thống); đạm nguyên chất (N): 160kg; Lân nguyên chất (P2O5): 80kg; Kali nguyên chất (K2O): 85kg.
Trong quá trình sử dụng phân bón có thể sử dụng phân tổng hợp với tỷ lệ quy đổi N, P2O5, K2O tương ứng.
- Cách bón: Chia làm 3 lần
+ Bón lót: bón toàn bộ phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ
+ Toàn bộ lân (bón vào rãnh hoặc vào hốc lấp 1 lớp đất mỏng rồi mới gieo hạt).
+ Bón thúc: Chia làm 3 đợt
Thúc lần 1 (khi cây 3-5 lá thật): 1/3 phân đạm+1/3 phân Kali kết hợp xới xáo, làm cỏ.
Thúc lần 2 (khi cây 7-9 lá): 1/3 phân đạm+1/3 phân kali; kết hợp xới xáo, làm cỏ.
Thúc lần 3 (khi cây xoáy ngọn): 1/3 phân đạm+1/3 phân kali còn lại.
Để cây sinh trưởng phát triển tốt đồng thời phát huy hiệu quả tối đa của phân bón, phải bón đạm, kali xa gốc 5-7cm, tuyệt đối không được trộn lẫn đạm với kali, bón xong phải lấp đất không nên bón phân khi đất quá khô hoặc quá ẩm.
b) Quản lý cỏ dại, tỉa dặm
Dọn sạch tàn dư thực vật, cỏ dại trước khi gieo trồng, đảm bảo sạch cỏ dại trong quá trình ngô sinh trưởng và phát triển. Có kế hoạch trồng dặm sớm, bón phân kịp thời cho cây ngô phát triển nhanh mạnh lấn át cỏ dại. Tiến hành xới đất, làm cỏ sau mỗi lần bón phân để lấp phân và diệt cỏ dại giúp cây ngô sinh trưởng, phát triển thuận lợi trong suốt chu kỳ sinh trưởng. Nên tiến hành làm cỏ 3 lần như sau:
- Lần 1 vào giai đoạn 10-12 ngày sau gieo, xới xáo, vun gốc nhẹ kết hợp bón và lấp phân lần 1;
- Lần 2: vào giai đoạn 24-26 ngày sau gieo kết hợp làm cỏ vun gốc và lấp phân bón bón thúc lần 2;
- Lần 3: vào giai đoạn 50-60 ngày, khi ruộng ngô có nhiều cỏ, có thể nhổ bằng tay hoặc cuốc, tránh làm tổn thương rễ ngô.
3.5.6. Quản lý sinh vật gây hại
a) Quản lý sinh vật hại tổng hợp
Thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trong phòng chống các đối tượng sinh vật gây hại, cụ thể:
+ Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng thường xuyên nhằm tiêu diệt mầm mống và nơi trú ẩn của sâu bệnh hại cây trồng; sử dụng phân bón hợp lý và chăm sóc các cây trồng cẩn thận để tăng khả năng chống sâu bệnh; gieo giống tránh những thời điểm sâu bệnh sinh trưởng mạnh; luân canh cây trồng.
+ Biện pháp sinh học: Bảo vệ thiên địch các loại sâu bệnh hại; sử dụng bẫy bả sinh học như: bẫy dính màu vàng, bẫy pheromone
+ Biện pháp thủ công: Bắt sâu bằng tay, cắt bỏ cành và lá bị bệnh đem tiêu hủy, sử dụng bẫy bả.
+ Biện pháp hóa học: Chỉ sử dụng thuốc BVTV được quy định trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Khi sử dụng thuốc BVTV phòng trừ sinh vật gây hại phải sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
b) Một số sinh vật gây hại chính
- Sâu keo mùa thu
+ Triệu chứng gây hại: Sâu keo mùa thu gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây ngô. Sâu mới nở ăn mô lá ở một phía của lá để lại lớp biểu bì mỏng ở mặt đối diện của lá. Đến tuổi 2 và 3, ấu trùng bắt đầu ăn đứt phiến lá và tạo những lỗ thủng trên lá, sâu tấn công vào đọt non của lá khi lá ngô lớn sẽ tạo thành một hàng lỗ trên phiến lá. Ấu trùng lớn tuổi hơn ăn đứt gân lá gây rụng lá trên diện rộng. Đặc biệt, chúng thích tấn công vào đọt cây ngô và ăn phá trong đó gây ra thiệt hại rất nặng. Khi ngô đã mang bắp, sâu có thể tấn công vào cả phần hạt.
+ Biện pháp phòng trừ: Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp bao gồm: Làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô đề hạn chế nơi trú ẩn của sâu; Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 2 đến 7 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy trước khi trứng nở.; Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ; sử dụng bẫy dính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt con trưởng thành; Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng...
- Sâu xám:
+ Triệu chứng gây hại: Sâu non tuổi nhỏ thường ăn nhu mô lá và cắn thủng lá, sâu non tuổi lớn thường cắn đứt gốc cây khi cây ngô có 5-6 lá và kéo về nơi trú ẩn ở dưới đất để ăn, khi cây ngô đã lớn sâu có thể cắn đứt đỉnh sinh trưởng.
+ Biện pháp phòng trừ: Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp bao gồm: Dọn dẹp vệ sinh ruộng đồng, diệt trừ sạch cỏ dại trên nương và quanh xung quanh để hạn chế nguồn ký chủ phụ của sâu; Cày ải phơi đất diệt trừ trứng và nhộng trước khi tiến hành gieo trồng; Luân canh cây trồng với cây khác họ; Khi mật độ sâu gây hại thấp có thể bắt sâu thủ công vào sáng sớm hay chiều tối bằng phương pháp bới đất xung quanh gốc cây bị sâu cắn để bắt sâu; Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng...
- Sâu đục thân ngô:
+ Triệu chứng: gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây ngô và hại ở tất cả các bộ phận (thân, lá, bắp, cờ). Khi cây ngô còn nhỏ, sâu đục vào nõn làm chết điểm sinh trưởng. Khi cây ngô lớn hơn, sâu đục vào thân làm cản trở quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng, khi gặp gió bão cây ngô sẽ bị đổ gãy. Khi trỗ cờ, sâu đục vào cờ làm gãy cờ, đục vào bắp làm thối bắp, ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng ngô.
+ Biện pháp phòng trừ: Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp bao gồm: Chọn và trồng giống ngô chống chịu sâu đục thân; Luân canh cây trồng để tránh sâu tồn tại từ vụ này sang vụ khác; Vệ sinh đồng ruộng, diệt sạch cỏ sau khi thu hoạch, cày ải sau khi thu hoạch ngô vụ thu để giết sâu non và nhộng; Gieo trồng đúng thời vụ; Bắt sâu bằng tay, ngắt ổ trứng; Bảo vệ và lợi dụng ong ký sinh, quan trọng nhất là ong mắt đỏ ký sinh trứng Trichogramma; Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng.
- Rệp muội: Thường gây hại từ khi cây ngô 8-9 lá đến khi thu hoạch. Rệp bám trên lá, trong nõn, bẹ lá, lá bi, hoa cờ… chích hút nhựa các bộ phận làm cho cây còi cọc, bắp nhỏ, năng suất và chất lượng ngô giảm. Rệp phát triển nhanh và gây hại mạnh khi nguồn thức ăn đầy đủ, nhất là những ruộng ngô gieo dày, ẩm độ không khí trong ruộng cao hoặc ruộng ngô bị hạn. Rệp ngô còn là môi giới truyền virus gây bệnh khảm lá, đốm lá ngô.
- Bệnh khô vằn: Hạch nấm tồn tại trong đất và tàn dư cây bệnh và hạt giống. Nấm bệnh gây hại cho ngô từ khi mới nảy mầm đến khi thu hoạch. Cây ngô bị nhiễm bệnh trong giai đoạn mầm thường còi cọc và vàng, nhưng thường gây hại nặng ở giai đoạn cây ngô trỗ cờ đến làm hạt.
- Bệnh đốm lá nhỏ: Bệnh gây hại chủ yếu ở phiến lá, bẹ lá và hạt. Bệnh gây hại từ khi cây có 2-3 lá cho đến hết thời kỳ sinh trưởng của cây. Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ, như mũi kim, hơi vàng sau đó lớn rộng thành hình tròn, hoặc hình bầu dục nhỏ, kích thước vết bệnh khoảng 5-6 x 1,5mm. Vết bệnh màu nâu, hoặc ở giữa hơi xám, có viền màu nâu đỏ, nhiều khi vết bệnh có màu quầng vàng. Nhiều vết bệnh liên kết với nhau thành đám lớn làm tổn thương lá và giảm quang hợp ảnh hưởng đến năng suất ngô.
- Bệnh sọc lá: Một trong những nguyên nhân gây bệnh nghiêm trọng là nông dân chưa nhận diện được bệnh và dùng thuốc chưa đúng. Cách nhận diện bệnh: lá ngô có sọc vàng hoặc trắng dọc theo phiến lá từ gốc lá ra chóp lá và lá hẹp hơn bình thường; lá đứng, có thể bị rách. Có những sợi tơ nấm màu trắng phát triển ở cả hai mặt của phiến lá. Cây ngô bệnh bị vàng đi, sinh trưởng kém, không cho trái hoặc trái không hạt. Triệu chứng có thể thay đổi tùy theo giống.
- Bệnh lùn sọc đen: Đây là bệnh phổ biến khi trồng ngô trên đất lúa. Tác nhân gây bệnh do do virus gây bệnh lùn sọc đen phương nam gây ra. Rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh. Cây ngô bị bệnh có biểu hiện chung là cây thấp lùn, lá ngọn xoăn, lá xanh đậm hơn bình thường; phiến lá dày và giòn; một số cây gốc mọc thêm nhiều chồi phụ. Khi cây có 4-6 lá thì có u sáp sần sùi trên đốt thân, dọc gân ở mặt sau lá, cổ lá xếp xít nhau và xòe ngang. Cây bị bệnh có thể không ra bắp hoặc có thể có bắp nhưng hạt thưa và nhỏ.
3.3. Thu hoạch: Tiến hành thu hoạch khi ngô chín hoàn toàn hoặc chín sinh lý (khi chân hạt có vết đen hoặc 75% số cây có lá bi khô) hoặc khi ẩm độ hạt từ 28- 30%. Tiến hành phơi, sấy ngô càng nhanh càng tốt. Nếu vào đợt mưa dài ngày, cần có biện pháp bảo quản tạm thời thích hợp, đợi trời nắng để phơi khô. Khi mới thu hoạch về không nên đổ đống vì ngô tươi có độ ẩm cao dễ bị thối mốc.
- Sử dụng máy tách hạt tốt nhất khi ẩm độ hạt ở mức 28-30%, phơi sấy sau khi tách hạt cho đến ẩm độ còn 14-15%./.
Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật