31/03/2025
Hướng dẫn các giải pháp khắc phục cây trồng bị thiệt hại do giông lốc, mưa đá
Lượt xem: 31
Vào chiều ngày 25/3/2025 trên địa bàn huyện Thuận Châu và huyện Quỳnh Nhai xảy ra 01 trận giông lốc, mưa đá gây thiệt hại về một số loại cây trồng, gồm: 50 ha cà phê (bị rụng hết hoa và quả); 10 ha chè bị dập lá và gãy búp; 30 ha ruộng mới gieo, cấy (dập gẫy); 40 ha sơn tra (bị rụng quả); 5,23 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.
Một số công việc cần thực hiện để khắc phục hậu quả sau giông lốc, mưa đá đối với cây trồng như sau :
1. Đối với những diện tích cây ngắn ngày (lúa, ngô, rau các loại...)
- Đối với những diện tích bị thiệt hại nhẹ, có khả năng khắc phục: tiến hành dựng lại cây bị đổ ngã; buộc, chỉnh sửa lại dàn, lưới đối với các cây trồng leo giàn; cắt tỉa, thu dọn những bộ phận bị dập, hư hỏng không có khả năng hồi phục. Tăng cường chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tạo điều kiện cho cây hồi phục. Sau khi khắc phục xong, thời tiết thuận lợi có thể bổ sung thêm phân bón cho các loại cây trồng trên trên.
- Đối với những diện tích bị thiệt hại hoàn toàn, không có khả năng khắc phục: Cần khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng và các vật tư bị thiệt hại trên đồng ruộng; tận dụng nguồn sinh khối còn lại cho phục vụ chăn nuôi. Tiến hành làm đất và gieo cấy lại các cây trồng để đảm bảo kịp thời trong khung thời vụ, riêng đối với cây lúa cần xem xét chuyển đổi sang cây trồng khác nếu hết thời vụ gieo trồng. Hạn chế thấp nhất bỏ ruộng không sản xuất.
Hình ảnh: Ruộng lúa bị thiệt hại do mưa đá tại xã Mường É, Thuận Châu
2. Đối với lâu năm (cây chè, cây cà phê, cây ăn quả,…)
Cắt bỏ những cành bị gãy; xới nhẹ lớp đất mặt để thoáng khí; quét vôi hoặc các loại thuốc bảo vệ thực vật (đúng đối tượng cây trồng, nằm trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam) trên các vết thương cơ giới do cắt tỉa. Bổ sung phân bón phục hồi bộ rễ giúp nhanh phục hồi; riêng đối với cây chè, tận dụng, khẩn trương thu hoạch nhanh búp chè còn nguyên vẹn của lứa đang thu hoạch. Tiến hành cắt tỉa, sửa lại luống chè bị thiệt hại đảm bảo đồng nhất theo lứa thu hái. Tăng cường chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tạo điều kiện cho cây hồi phục.
3. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để điều chỉnh kịp thời kế hoạch gieo trồng; chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp ứng phó với bất thường của thời tiết./.
Tác giả: Phan Liên - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật