Sơn La đang đối mặt với nhiều thách thức trong bảo đảm nguồn nước sinh hoạt nông thôn khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh tư duy quản lý theo hướng chủ động, thích ứng và bền vững hơn.
Những năm gần đây và đặc biệt trong nửa đầu năm 2025 trên địa bàn các huyện tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt vào mùa khô ngày càng phổ biến. Không chỉ các suối đầu nguồn cạn kiệt sớm hơn, mà chất lượng nước tại nhiều công trình cấp nước tập trung cũng có dấu hiệu suy giảm. Các biểu hiện bất thường của thời tiết, như nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa, lũ quét đột ngột… đang gây áp lực nặng nề lên hạ tầng cấp nước nông thôn.
Theo đánh giá của Phòng Nước sạch nông thôn, Trung tâm Nước và Quan trắc môi trường, hiện nay tài nguyên nước phục vụ sinh hoạt ở nông thôn Sơn La đang chịu tác động theo ba chiều hướng: suy giảm lưu lượng, gia tăng mức độ phân tán nguồn và biến động khó lường về chất lượng.
Ảnh: Mó nước Công trình cấp nước sinh hoạt liên bản xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (hình ảnh ghi nhận ngày 03/5/2025)
Thiếu nước – không còn là nguy cơ, mà đã hiện hữu
Sơn La có địa hình dốc, nhiều khe suối nhỏ, nguồn nước phân tán. Trong khi đó, hệ thống cấp nước tập trung ở nông thôn phần lớn được xây dựng từ những năm trước, với quy mô hạn chế và ít khả năng điều tiết. Biến đổi khí hậu làm cho dòng chảy mặt bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt trong các đợt nắng nóng kéo dài. Tại một số xã, người dân đã phải mua nước từ xe bồn hoặc sử dụng nước tạm thời từ các nguồn không đảm bảo vệ sinh.
Thực tế này đòi hỏi cần sớm có cơ chế đánh giá lại khả năng khai thác bền vững của các nguồn nước hiện hữu, đồng thời nghiên cứu bổ sung nguồn cấp từ giếng khoan, ao chứa, hoặc hệ thống liên kết liên xã nhằm tăng cường năng lực trữ nước theo mùa.
Chất lượng nước tiềm ẩn rủi ro
Một thách thức không kém phần nghiêm trọng là sự suy giảm chất lượng nước đầu vào. Mưa lớn tập trung, xói mòn đất, nước thải từ sản xuất và chăn nuôi xâm nhập khiến nhiều nguồn nước mặt bị đục, thậm chí nhiễm vi sinh trong thời gian ngắn. Các công trình thiếu hệ thống lọc hiệu quả hoặc không được nội kiểm định kỳ có nguy cơ cung cấp nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật.
Việc thiết lập cơ chế giám sát chất lượng nước định kỳ, có phân tích cảnh báo sớm đang là yêu cầu cấp bách. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho công tác đào tạo nhân lực kỹ thuật và ứng dụng công nghệ số trong theo dõi chất lượng nước theo thời gian thực.
Ảnh: Khu vực xử lý công trình cấp nước liên xã Huy Hạ, Huy Tường huyện Phù Yên (hình ảnh ghi nhận ngày 06/5/2025)
Cần chuyển từ “cấp nước” sang “quản lý tài nguyên nước”
Thực trạng hiện nay cho thấy, mô hình “thi công - vận hành - duy tu” theo lối truyền thống không còn đủ sức ứng phó với rủi ro ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Việc đảm bảo cấp nước sinh hoạt ổn định, an toàn đòi hỏi phải chuyển trọng tâm sang quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở quy mô cộng đồng.
Trong đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch cấp nước thích ứng theo mùa; chủ động đánh giá rủi ro khí hậu đối với từng công trình cấp nước hiện có; bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa, đồng thời tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý và giám sát công trình.
Biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức môi trường, mà còn là phép thử năng lực quản lý của hệ thống cấp nước nông thôn hiện nay. Nếu không có bước đi kịp thời, những gián đoạn nhỏ sẽ trở thành khủng hoảng trong tương lai gần. Đã đến lúc cần một tư duy mới, dựa trên cơ sở dữ liệu thực tiễn, hành động chủ động và sự phối hợp liên ngành để bảo vệ an toàn nguồn nước – bảo vệ chất lượng sống của hàng trăm nghìn hộ dân nông thôn Sơn La./.