12/05/2025
Nâng cao năng suất và chất lượng nhãn bằng phương pháp ghép đoạn cành cải tạo vườn nhãn
Lượt xem: 15
Hiện nay tại địa bàn tỉnh Sơn La có gần 20.000 ha nhãn, diện tích cho thu hoạch gần 17.000 ha, trong đó diện tích nhãn già cỗi, giống cũ, chất lượng kém chiếm tỷ lệ không nhỏ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người trồng
Trước thực trạng trên, phương pháp ghép đoạn cành cải tạo vườn nhãn đang được triển khai rộng rãi và mang lại kết quả tích cực, giúp phục hồi và nâng cao năng suất, chất lượng vườn nhãn.
Trung tâm Khuyến nông xin khuyến cáo bà con quy trình ghép đoạn cành để cải tạo vườn nhãn. Kỹ thuật ghép nhãn đơn giản cho phép giữ lại bộ rễ, thân cây khỏe mạnh, sử dụng cành ghép từ những giống nhãn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận để cải tạo, thay thế giống cũ.
Hình ảnh cây nhãn đạt tiêu chuẩn ghép
1. Đối tượng áp dụng
- Vườn nhãn giống cũ, trồng từ hạt, năng suất thấp.
- Cây dưới 15 năm tuổi, sinh trưởng tốt, không sâu bệnh nặng.
- Vườn có điều kiện tưới tiêu chủ động.
2. Chuẩn bị dụng cụ và vật tư
- Dao ghép chuyên dụng, dây ghép nilon mỏng và dai.
- Cưa, kéo tỉa cành, rổ đựng mắt ghép, ghế đứng có độ cao phù hợp.
- Cành ghép được lấy từ cây đầu dòng có chứng nhận, tuổi cành từ 30–65 ngày, khỏe mạnh, không sâu bệnh.
Cành ghép nên được cắt vào buổi sáng mát mẻ, bảo quản nơi râm mát, quấn ẩm liên tục, thời gian bảo quản không quá 4 ngày.
3. Chuẩn bị cây gốc ghép
- Cây dưới 10 năm tuổi cưa đến cành cấp 1, cây từ 10–15 năm tuổi cưa đến cành cấp 2.
- Tạo chồi tái sinh và giữ lại 2–4 chồi khỏe, phân bố đều.
- Bón phân hữu cơ, phân lân, đạm, kali theo đúng lượng quy định.
- Phun thuốc trừ sâu bệnh bảo vệ chồi mới mọc
Hình ảnh đoạn cành nhãn ghép đạt tiêu chuẩn
4. Thời vụ ghép phù hợp
Trong năm có 2 thời vụ ghép chính là vụ hè và vụ thu, để đảm bảo thời vụ bà con có thể cưa đốn cây gốc vụ hè có thể ghép ngay vụ thu cùng năm hoặc cưa đốn vụ thu sẽ ghép vào đầu vụ hè năm sau.
5. Kỹ thuật ghép đoạn cành
- Chọn chồi tái sinh phù hợp, cắt bỏ ngọn.
- Tạo vết cắt vát phẳng trên cả cành ghép và chồi gốc.
- Ghép đoạn cành dài 6–7 cm vào vị trí ghép, dùng dây nilon chuyên dụng quấn chặt.
6. Chăm sóc sau ghép
- Phun thuốc trừ kiến, cắt bỏ chồi dại mọc không đúng vị trí.
- Cắt dây ghép đúng lúc khi lộc thứ hai phát triển.
- Tưới giữ ẩm thường xuyên sau ghép.
- Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lộc mới.
- Bón thúc bằng phân đạm pha loãng và phun phân bón lá theo hướng dẫn.
Việc ghép đoạn cành không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí trồng lại mà còn giúp người nông dân nhanh chóng cải tạo vườn cây, áp dụng giống mới năng suất cao, chất lượng tốt. Các giống nhãn mới thường có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, mẫu mã đẹp, phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Đây là giải pháp kỹ thuật hiệu quả, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.
Tác giả: Nguyễn Huyền Trang – Trung tâm Khuyến nông