13/05/2025
Bảo tồn và phát triển loài Lá dương đỏ quý hiếm
Lượt xem: 16
Lá dương đỏ, còn được biết đến với tên gọi bồ đề xanh, là một loài cây quý hiếm được đưa vào sách đỏ. Việc bảo vệ và phát triển loài cây này là hết sức cần thiết trong bối cảnh tài nguyên rừng đang ngày càng suy giảm do tác động của con người và biến đổi khí hậu.
Hiện nay, Ban quản lý rừng đặc dụng phòng hộ Sốp Cộp, Chi cục Kiểm lâm đang có kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn và phát triển loài Lá dương đỏ. Qua khảo sát bước đầu trên diện tích 50 ha, đơn vị đã phát hiện 20 cá thể lá dương đỏ phân bố rải rác tại tiểu khu 800, khoảnh 6, lô 4, thuộc địa bàn xã Nậm Lạnh, nằm trong khu vực rừng phòng hộ do Ban Quản lý trực tiếp quản lý.
Cây lá dương đỏ (bồ đề xanh) được phát hiện tại tiểu khu 800, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp.
Đặc điểm nhận dạng của cây Lá dương đỏ sinh trưởng ở độ cao khoảng 1000 m so với mực nước biển, là loài Cây gỗ nhỏ hay lớn, cao 15 - 25m, thân tròn, thẳng, màu nâu đỏ; cành non phủ đầy lông hình sao. Lá có phiến hình bầu dục, đầu nhọn, gốc hình nêm rộng, mép có răng cưa, dài 9 - 16cm, rộng 3,5 - 7cm, đầu có mũi nhọn dài, mặt trên màu lục, mặt dưới phủ lông nhung hình sao, gân bên gần song song. Cụm hoa chùm ngắn hay chùy dài 2 - 4cm. Hoa có cuống ngắn, màu trắng, mẫu 5. Thùy của tràng dài 9 - 11mm; nhị 10, có chỉ nhị hợp thành ống ở 2/3 chiều dài; bầu gần tròn. Quả nang hóa gỗ dài 7 - 9mm, nở làm 5 mảnh. Hạt có cánh ở hai đầu.
Cây mọc rải rác trong rừng rậm nhiệt đới thường xanh, mưa mùa ẩm, ở độ cao không quá 1500m; thường gặp ở ven rừng nơi có ánh sáng nhiều. Ưa sáng, mọc nhanh. tái sinh bằng hạt. Ra hoa tháng 12 - 1, có quả tháng 4 - 5. Gỗ được dùng trong xây dựng, thuộc loại gỗ mềm, có thể làm diêm, bút chì hay làm bột giấy. Lá dương đỏ là loài hiếm, số lượng cá thể ít. Được đưa vào Sách Đỏ đề nghị bảo vệ.
Đặc điểm nhận dạng cây Lá dương đỏ.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp để tiếp tục điều tra, nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm sinh học, điều kiện sinh trưởng và mức độ phân bố của loài cây này. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đơn vị sẽ xây dựng phương án bảo tồn tại chỗ, đồng thời nhân giống và phát triển nhằm phục hồi và nâng cao số lượng cá thể lá dương đỏ trong tự nhiên, góp phần bảo vệ hệ sinh thái rừng bền vững và đa dạng sinh học tại địa phương
Tác giả: Ban quản lý rừng ĐD - PH Sốp Cộp, Chi cục Kiểm lâm