Xây dựng bản đồ số tỉnh Sơn La phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng bản đồ số nhằm thống nhất tài liệu nền và tích hợp dữ liệu đa ngành là vấn đề cấp thiết, quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Với xu hướng tập trung đẩy nhanh chuyển đổi số, thì việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước là một khâu quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính nhằm thiết lập một nền hành chính năng động, trách nhiệm, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế. Việc xây dựng hệ thống bản đồ số nhằm thống nhất tài liệu nền, tích hợp dữ liệu đa ngành, đa lĩnh vực trong thời điểm hiện nay sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền ra quyết định chính xác và tối ưu hóa quy hoạch phát triển là một vấn đề cấp thiết, quan trọng với ngành Nông nghiệp và Môi trường nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bản đồ là một công cụ quan trọng, cung cấp góc nhìn trực quan trong công tác hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hệ thống bản đồ tỉnh Sơn La nói chung và ngành Nông nghiệp và Môi trường vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tiễn; Các loại bản đồ được xây dựng trên nhiều phần mềm đồ họa khác nhau, dữ liệu không gian và dữ liệu thuộc tính được thể hiện riêng biệt, chưa có sự liên kết, ràng buộc lẫn nhau. Chưa đồng nhất về mặt tọa độ, lưới chiếu cho các loại bản đồ, số liệu; Dữ liệu bản đồ được lưu trữ phân tán tại các sở, ban, ngành theo lĩnh vực quản lý nhà nước chưa được tổng hợp, chuẩn hóa và quản lý tập trung dẫn đến sự chồng chéo, khó khăn trong tích hợp thông tin, tra cứu thông tin; Việc công khai, chia sẻ, khai thác thông tin bản đồ còn hạn chế (thường chỉ công khai bản đồ dạng giấy) do thiếu các công cụ hỗ trợ hiển thị, tra cứu trên môi trường mạng.
Trước thực trạng và tính cấp thiết đối với hệ thống bản đồ thì việc chuẩn hóa dữ liệu bản đồ và xây dựng hệ thống quản lý, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý tỉnh Sơn La là việc làm cần thiết và phải tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Rà soát lại hệ thống bản đồ đã có, trước mắt là trong ngành nông nghiệp và môi trường, tiến tới là tất cả các bản đồ chuyên ngành của tỉnh; xác định giá trị của từng loại bản đồ nhằm số hóa đối với bản đồ giấy; chuẩn hóa, chuyển đổi định dạng bản đồ sang định dạng thống nhất; nhập thông tin thuộc tính chi tiết cho từng đối tượng không gian trên bản đồ.
Đầu tư hoặc thuê ứng dụng công nghệ thông tin để đưa dữ liệu bản đồ số đã xây dựng lên quản lý, khai thác và chia sẻ thông tin trên môi trường mạng với khả năng truy cập từ nhiều thiết bị (máy tính, thiết bị di động…), có ứng dụng công nghệ hiện đại như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong tổng hợp, phân tích và cung cấp thông tin, dữ liệu bản đồ.
Xây dựng quy chế quản lý, sử dụng hệ thống bản đồ số tỉnh Sơn La, phấn đấu đến năm 2027 xây dựng được một hệ thống dữ liệu bản đồ số đầy đủ, tích hợp dữ liệu đa ngành, đa lĩnh vực. Nâng cấp và phát triển các ứng dụng phân tích dữ liệu bản đồ đa mục tiêu, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
- Hệ thống bản đồ dùng chung của tỉnh Sơn La được chuẩn hóa về định dạng thống nhất, các cơ quan, đơn vị có thể sử dụng chung nền tảng mà không cần xây dựng hệ thống bản đồ riêng, tiết kiệm ngân sách, hạn chế tình trạng chồng chéo của nhiều cơ quan, đơn vị cùng thu thập và xử lý dữ liệu giống nhau. Đảm bảo tính nhất quán của thông tin địa lý (đồng nhất về mặt tọa độ, lưới chiếu cho các loại bản đồ, số liệu) trên địa bàn tỉnh, kết hợp nhiều lớp dữ liệu (giao thông, dân cư, môi trường…) giúp hoạch định chính sách chính xác. Tăng cường minh bạch thông tin, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, tra cứu thông tin quy hoạch, chất lượng đất đai, khí tượng thủy văn… để có định hướng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp, đánh giá các rủi ro về thiên tai thông qua việc phân tích độ dốc, xác định các khu vực dễ lũ lụt, sạt lở…; có thể quản lý tài nguyên thiên nhiên thông qua kế hoạch sử dụng đất…
Tuy nhiên, để có hệ thống bản đồ dùng chung trên địa bàn tỉnh, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp, ngành về kinh phí thực hiện, phần mềm chuyên dụng, sự phối hợp chặt chẽ của các sở ngành trong việc lựa chọn, cung cấp bản đồ chuyên ngành để chuẩn hóa, đưa vào hệ thống bản đồ dùng chung của tỉnh; sự hỗ trợ của các công ty, tập đoàn về giải pháp công nghệ thông tin, các giải pháp về chia sẻ, quản lý và khai thác dữ liệu bản đồ số có hiệu quả, có áp dụng các công nghệ hiện đại trong tổng hợp, phân tích dữ liệu bản đồ đa mục tiêu./.
TH – Trung tâm Chuyển đổi số