Trong xu thế phát triển nông nghiệp bền vững hiện nay, việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp và rác thải hữu cơ để sản xuất phân bón đang trở thành một giải pháp thiết thực và được đặc biệt quan tâm
Kỹ thuật ủ phân hữu cơ theo phương pháp hiếu khí, sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra nguồn phân bón giàu dinh dưỡng, giúp cải thiện độ màu mỡ của đất và nâng cao năng suất cây trồng. Nhờ ưu điểm dễ thực hiện, chi phí thấp và hiệu quả rõ rệt, phương pháp này ngày càng được nhân rộng, nhất là ở các vùng nông thôn. Bài viết sau sẽ giới thiệu chi tiết quy trình ủ phân hiếu khí - từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, kỹ thuật thực hiện đến những ứng dụng thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp.
1. Quy trình ủ phân
Bước 1: Chuẩn bị địa điểm và nguyên liệu
- Địa điểm ủ phân: Lựa chọn địa điểm ủ phân xa nơi dân cư; Tạo nền ủ phân cao hơn khu vực xung quanh từ 20 cm trở lên để tránh nước mưa chảy vào.
- Tỷ lệ vật liệu như sau:
+ Phân chuồng: 1 m3 ;
+ Men rượu: 1 kg
+ Cám gạo: 20 kg
+ Trấu lúa và/hoặc than trấu: 4 bao (1 bao = 5 - 7 kg)
- Chú ý:
+ Lượng phân chuồng tối thiểu cho 1 lần ủ phân nên từ 2 m3 trở lên.
+ Các loại phân chuồng ở dạng tươi hoặc khô đều có thể sử dụng.
Bước 2: Lên men cám gạo
Cám gạo được lên men với men rượu tạo điều kiện thuận lợi cho hệ vi sinh vật địa phương phát triển trong quá trình ủ phân hiếu khí.
- Chú ý:
+ Phải kiểm soát độ ẩm khi trộn men rượu địa phương với cám gạo ở mức khoảng 50 - 55%. Nếu độ ẩm quá thấp (khô) hoặc quá cao (ướt) cám gạo không lên men tốt, vi sinh vật có lợi không thể phát triển.
+ Độ ẩm được ước tính bằng cách cảm nhận bằng tay: Nắm nhẹ hỗn hợp cám gạo ủ với men rượu, sau quan sát hiện tương khi mở tay ra:
- Độ ẩm dưới 50% (quá khô): Hỗn hợp không vón cục
- Độ ẩm ở khoảng 50 - 55%: Hỗn hợp vón cục, khi dùng ngón tay ấn nhẹ, hỗn hợp bị vỡ
- Độ ẩm ở khoảng hơn 60% (quá ướt): Hỗn hợp vón cục, khi dùng ngón tay ấn nhẹ, thấy hỗn hợp không bị vỡ.
+ Cho hỗn hợp cám gạo vào bao thoáng khí và bảo quản túi hỗn hợp trong kho để lên men.
+ Cách nhận biết hỗn hợp cám lên men tốt là nhiệt độ bên trong bao cám tăng, có mùi thơm.
Bước 3: Trộn tất cả nguyên liệu lại với nhau theo tỷ lệ như sau
- Chú ý:
+ Cần chú ý kiểm soát độ ẩm trong nguyên liệu khi ủ ở mức khoảng 60 - 65%. Khi sử dụng phân chuồng làm nguyên liệu ủ phân, các loại phân chuồng khác nhau sẽ có tỷ lệ độ ẩm khác nhau. Ví dụ phân gà có độ ẩm thấp (khô) nên khi trộn thường phải bổ sung thêm nước. Trong khi đó, phân trâu, bò, lợn ở dạng tươi có độ ẩm thường cao hơn mức 65%, nên phải phơi để giảm độ ẩm tới mức thích hợp trước khi trộn.
+ Phương pháp kiểm tra độ ẩm: Dùng tay nắm chặt vật liệu hỗn hợp ủ để kiểm tra độ ẩm và quan sát: Độ ẩm trên 70% (vón thành cục và có nước nhỏ giọt từ kẽ ngón tay); Độ ẩm khoảng 60 - 65% (vón thành cục, không có nước nhỏ giọt từ kẽ ngón tay); Độ ẩm dưới 50% (không vón thành cục).
Bước 4: Quá trình ủ/lên men hiếu khí
Những lưu ý quan trọng trong quá trình ủ phân
- Thông gió, thoáng khí
- Kiểm soát độ ẩm
- Theo dõi nhiệt độ
Kiểm soát nhiệt độ trong quá trình ủ phân
Quy trình ủ phân hiếu khí bao gồm bốn giai đoạn chính.
Trong giai đoạn 2, nhiệt độ trong khối phân ủ sẽ tăng tới mức từ 50oC trở lên. Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ trong giai đoạn 2 để theo dõi quá trình ủ và phát hiện kịp thời sự cố khi xảy ra.
Hướng dẫn xử lý sự cố
Trong quá trình ủ phân, một số vấn đề có thể xảy ra và cách xử lý như sau:
* Nhiệt độ không tăng: Phân ủ chưa bắt đầu lên men do những nguyên nhân sau:
- Độ ẩm trong nguyên liệu ủ phân chưa phù hợp: Cần kiểm tra lại độ ẩm bằng cách dùng tay sờ và nắm thử. Nếu nguyên liệu quá khô, cần bổ sung thêm nước. Ngược lại, nếu quá ướt thì nên trộn thêm trấu, than trấu hoặc tạm thời gỡ bỏ bạt che để giúp khối ủ khô lại.
- Thiếu không khí: Trước tiên, cần đảm bảo có khoảng trống giữa khối phân ủ và bạt che để tạo điều kiện thông thoáng. Sau đó, dùng que dài chọc vào khối phân ủ để tạo các lỗ thông khí, hoặc tiến hành đảo trộn lại khối ủ một lần nữa để tăng cường lưu thông không khí.
* Mùi hôi thối ngày càng nặng: Do độ ẩm trong khối ủ quá cao hoặc môi trường ủ thiếu sự thông thoáng. Cách xử lý là điều chỉnh lại độ ẩm và cải thiện khả năng lưu thông không khí.
Trần Thị Hiếu- Trung tâm Khuyến nông