image banner
Hiệu quả chuyển đổi từ mô hình trồng rau sang đào Tết
Lượt xem: 56
Trong những năm gần đây, vào dịp Tết, sắc hồng bao phủ khắp khu vực trồng đào tổ 7, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La. Người dân và thương lái từ các địa phương tìm đến đây để chiêm ngưỡng và mua đào cảnh, tạo nên không khí tấp nập, rộn ràng. Cây đào nơi đây đã trở thành một thương hiệu, một nét đặc trưng riêng biệt nhờ dáng cây thanh thoát, cánh hoa dày và phớt hồng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
anh tin bai

anh tin bai

Ảnh: Vườn đào cảnh tại tổ 7, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La vào tháng 4/2025

Tổ 7, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, từ lâu đã nổi bật với vùng trồng rau rộng lớn và phong phú về chủng loại. Trong những năm gần đây, nông dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất trồng rau sang mô hình trồng hoa đào Tết. Mô hình mới này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao trong dịp Tết, mà còn tạo đầu ra ổn định, nhu cầu tiêu thụ tăng cao, hứa hẹn một tiềm năng phát triển bền vững trong tương lai.

anh tin bai

Ảnh: Vườn đào ươm để bán giống cho các hộ làm đào huyền trong vùng

Gia đình chị Nguyễn Thị Sinh (gia đình Sinh Lực) là một trong những hộ đầu tiên thực hiện chuyển đổi 1.000m² đất trồng rau sang trồng đào cảnh. Chị chia sẻ: Mong muốn tìm một cây chủ lực để phát triển kinh tế, năm 2021, gia đình đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các vùng trồng đào cảnh tại tỉnh Hà Tây và Bắc Giang. Về Sơn La chị trồng thử nghiệm, tự chiết, ghép và nhân rộng diện tích trồng. Nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng lý tưởng, cây đào đã bén duyên với mảnh đất này. Việc tận dụng những nguyên liệu sẵn có để ủ chế phẩm sinh học làm phân hữu cơ (phân gà, phân lợn, vỏ cà phê và phụ phẩm từ nhà máy đường) đã giúp cây đào phát triển khỏe mạnh, cho hoa cánh dày, phớt hồng và dáng cây thanh thoát, mang vẻ đẹp đặc trưng riêng biệt. Sau một năm áp dụng, cây đào mang lại giá trị kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác. Vậy nên chị đã quyết định mở rộng diện tích, đầu tư mua thêm gốc đào rừng, đào huyền và trồng thêm đào cắt cành để phát triển

anh tin bai

Ảnh: Chị Sinh đang thực hiện kỹ thuật uốn tạo dáng cho vườn đào rừng của gia đình

Gia đình anh Nguyễn Văn Sức (gia đình Thuận Sức) nổi tiếng khắp vùng nhờ vườn đào huyền, bởi dáng cây đẹp, nụ hoa to, màu hồng phai. Anh chia sẻ: Trồng đào là một nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Để thành công, ngoài việc nghiên cứu tài liệu, người trồng cần phải học hỏi từ kinh nghiệm của các nhà vườn nổi tiếng trong ngành. Việc chăm sóc những gốc đào nhiều năm tuổi hết sức tỉ mỉ, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm mới chăm sóc được. Chỉ cần chăm bón đúng quy trình thì cây đào sau 12 tháng trồng sẽ ra hoa và bán đúng dịp tết

anh tin bai

Ảnh: Anh Sức chăm sóc vườn đào huyền rất cẩn thận, tỉ mỉ làm cỏ bằng tay để đảm bảo  cây phát triển tốt nhất.

Những năm gần đây, nhờ sức ảnh hưởng của mạng xã hội, vườn đào tại tổ 7, phường Chiềng Sinh ngày càng được nhiều người biết đến, do vậy đa số đều được bán trực tiếp tại vườn cho khách buôn Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An, Hải Phòng, Thái Bình… Đào huyền giá khách buôn trung bình từ 600.000 - 700.000 đ/cành; khách lẻ 800.000 - 900.000 đ/cành. Đào cành, bán buôn tại vườn với giá từ 100.000-120.000đ/cành. Đào rừng với giá trung bình từ 2 - 3 triệu đồng/gốc và 4 - 5 triệu đồng cho đào nhiều năm tuổi. Đối với những gốc đào chơi Tết đã có hình dạng sẵn, đa số là bán cho tệp khách hàng tại thành phố, bởi giá thuê rẻ hơn so với giá mua từ 500.000 - 1.500.000 đồng. Tổng kết vụ đào Tết năm 2025, thu nhập mỗi nhà từ 300-500 triệu đồng tuỳ diện tích.

 Việc chuyển đổi một phần diện tích đất trồng rau sang trồng đào Tết đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Việc trồng nhiều loại rau phong phú không chỉ giúp thu hoạch nhanh chóng, mà còn tạo nguồn thu để mua phân bón và chi phí chăm sóc đào, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế. Giá cả vật tư nông nghiệp biến động và biến đổi khí hậu ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, kinh tế của người dân, do vậy, việc trồng hoa đào Tết và sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ đã trở thành một hướng đi phát triển kinh tế hiệu quả. Đây không chỉ là cách làm sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các hộ trồng, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp./.

Trần Thị Hiếu - Trung tâm Khuyến nông

 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1