Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 hàng năm, vùng trồng nhãn rợp trời màu vàng của hoa nhãn, cũng là lúc báo hiệu mùa mật ong hoa nhãn chính vụ bắt đầu. Mật ong hoa nhãn Sông Mã mang hương vị đặc trưng riêng, từ lâu đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và ưa chuộng; không chỉ mang hương vị thơm dịu, thanh khiết đặc trưng mà còn là thành quả của những người nuôi ong tâm huyết, góp phần tạo nên thương hiệu mật ong nổi tiếng khắp vùng.
Mật ong Sơn La được thu hoạch bằng phương pháp thủ công nên giữ nguyên hương thơm, vị ngọt tự nhiên và hoàn toàn nguyên chất. Hương vị và màu sắc mật ong thay đổi theo từng thời kỳ lấy mật và từng loại hoa. Mật ong Sơn La thường được khai thác 4 vụ ở các nguồn hoa khác nhau như: Hoa cỏ lào (tháng 12 năm trước - tháng 1 năm sau); hoa dẻ, hoa rừng (tháng 2 - 5); hoa nhãn, hoa ban (tháng 3 - 4); hoa đơn kim (tháng 8 - 10)… Trong đó, mật ong hoa nhãn là mùa mật bội thu, mang lại giá trị kinh tế cao nhất cho người nuôi ong
Ảnh: Mùa hoa Nhãn tại Sông Mã
Anh Hoàng Mạnh Đoàn, quyền Giám đốc Hợp tác xã Quyết Thắng, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, là một trong những người tiên phong nuôi ong tại địa phương. Khởi nghiệp từ năm 2003 với chỉ 5 đàn ong, đến nay, trang trại của gia đình anh đã phát triển lên hơn 400 đàn, đàn ong sinh trưởng tốt và mang lại nguồn thu nhập cao. Anh chia sẻ: Với 4 ha cây ăn quả, anh đã đầu tư nuôi ong dưới tán cây. Trong những năm gần đây, giá trị mật ong ngày càng được nâng cao và trở thành sản phẩm được ưa chuộng. Mật ong hoa nhãn Sông Mã đã xây dựng được thương hiệu và vị thế trên thị trường. Trung bình mỗi đàn ong thu được từ 42-45 kg mật các loại mỗi năm, với giá bán sỉ dao động từ 75.000 - 85.000 đ/kg. Đặc biệt, mật hoa nhãn có sản lượng từ 30-35 kg/đàn, với giá bán sỉ trung bình từ 80.000 - 85.000 đ/kg.
Anh Hoàng Mạnh Đoàn kiểm tra trữ lượng và chất lượng mật trước khi thu hoạch
|
Ảnh: Quay mật ong bằng máy quay ly tâm tại vườn gia đình ông Trần Văn Quý, xã Chiềng Khoong
Bắt đầu nghề nuôi ong với 16 đàn vào năm 2018, ông Trần Văn Quý, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, đã nhận được sự hỗ trợ con giống và cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ Khuyến nông huyện. Sau hơn 15 năm gắn bó với nghề, nhờ sự kiên trì và nỗ lực học hỏi, đến nay, ông đã phát triển thành công với 200 đàn ong. Ông chia sẻ: Năm nay là năm bội thu mật hoa nhãn. Xét giá trị mật ong trong 1 năm thì mật nhãn mang lại lợi nhuận cao nhất vì thơm ngon và đặc sánh. Năm nay, dự kiến thu được hơn 9 tấn mật nhãn, giá bán sỉ dao động từ 75.000 - 80.000 đ/kg, giá bán lẻ từ 90.000 - 100.000 đ/kg; thu lãi trên 400 triệu đồng. Sản phẩm mật ong của gia đình ông hiện đã có mặt tại các đại lý ở Mộc Châu, Hưng Yên và Phú Thọ.
Một trong những người nuôi ong thành công nhất tại Hợp tác xã Quyết Thắng năm nay phải kể đến gia đình chị Vũ Thị Lan, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã. Hiện nay, gia đình chị sở hữu trên 800 đàn ong, vào vụ nhãn năm nay thu về hơn 1 tỷ đồng. Chị chia sẻ: Mật ong của gia đình đã có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, chất lượng đảm bảo và được khách hàng, thương lái tin tưởng, đặt hàng ngay từ đầu vụ. Hàng sản xuất ra đều được tiêu thụ nhanh chóng.
Ảnh: Sản phẩm mật ong của HTX Quyết Thắng đạt tiêu chuẩn OCCOP 4 sao được thị trường ưa chuộng và đánh giá cao
Nghề nuôi ong đã giúp gia đình chị có nguồn thu ổn định và cải thiện kinh tế. Hiện nay, mật ong Sơn La đã được cấp chứng nhận sở hữu nhãn hiệu, tạo nền tảng vững chắc để các sản phẩm từ nghề nuôi ong được bảo hộ về chất lượng và khẳng định uy tín trên thị trường. Bên cạnh việc duy trì các thị trường truyền thống, mật ong Sông Mã còn từng bước mở rộng kênh phân phối thông qua các nền tảng bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử và các hội chợ thương mại trong và ngoài nước. Những hoạt động này không chỉ góp phần quảng bá thương hiệu mà còn mở ra cơ hội vươn ra thị trường quốc tế, chinh phục cả những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao biên giới, phát triển kinh tế bền vững./.
Trần Thị Hiếu - Trung tâm Khuyến nông