image banner
Tăng cường phòng trừ sâu đục thân trên cây Cà phê theo hướng an toàn, bền vững
Lượt xem: 44
Cà phê là cây trồng chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của nhiều địa phương. Tuy nhiên, hiện nay sâu bệnh, đặc biệt là nhóm sâu đục thân, đang gây hại ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng vườn cà phê. Trước thực trạng đó, việc áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại theo hướng an toàn, bền vững là hết sức cần thiết.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay ghi nhận hai loại sâu đục thân phổ biến gây hại trên cây cà phê là: Sâu đục thân mình trắng (Xylotrechus quadripes Chevrolat) và Sâu đục thân mình hồng (Zeuzera coffea Nietner). Cả hai loài đều hoạt động quanh năm, phát triển mạnh ở khu vực có nhiệt độ cao và nhiều ánh sáng, đặc biệt là những vườn cà phê không có tán che.

          I. NHẬN DIỆN SÂU ĐỤC THÂN GÂY HẠI CÀ PHÊ

1. Sâu đục thân mình trắng (Xylotrechus quadripes)


          - Đặc điểm gây hại: Thành trùng thường đẻ trứng ở các vết nứt trên vỏ thân cây. Sâu non sau khi nở đục vào phần gỗ, để lại các lỗ nhỏ và đường đục có mùn gỗ bịt kín. Sâu phá hoại làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng của cây cà phê

anh tin bai

Ảnh: Sâu đục thân mình trắng gây hại trên cây cà phê

          Hình thái: Trưởng thành là xén tóc màu vàng xám, dài khoảng 9,7 - 11,2mm. Trứng màu trắng ngà, sâu non không chân, nhộng màu vàng sẫm.

          - Vòng đời: Tùy theo mùa, sâu có thể phát triển từ 126 đến 211 ngày. Sâu phát triển mạnh vào vụ hè (tháng 3-4) và vụ đông (tháng 10-11).

          2. Sâu đục thân mình hồng (Zeuzera coffea)

          - Đặc điểm gây hại: Sâu non đục vào giữa thân, đùn mạt gỗ ra ngoài, khiến cây dễ bị gãy, thậm chí chết cây. Sâu gây hại trên cả thân và cành cấp 1, 2.

          -  Trưởng thành là bướm trắng có chấm xanh biếc, thân đỏ phủ lông trắng. Sâu non có màu hồng, dài tới 50mm. Nhộng dài 15-34mm.

anh tin bai
anh tin bai

  Ảnh: Trưởng thành và sâu non sâu đục thân mình hồng

          - Tập tính: Sâu phát triển mạnh ở nhiệt độ từ 20-28°C, thường gây hại trên những cây có tán không cân đối, vườn thiếu cây che bóng.

          II. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ SÂU ĐỤC THÂN HẠI CÀ PHÊ

          1. Biện pháp canh tác

          - Trồng giống có tán rậm như Catimor, mật độ hợp lý 5.000-5.500 cây/ha.

          - Tỉa cành, tạo tán cân đối, trồng cây che bóng (cốt khí, keo dậu), duy trì thảm thực vật, sử dụng cây phân xanh (lạc dại, điền thanh).

          - Bón phân cân đối, tăng cường hữu cơ, phân bón lá.

          - Vệ sinh vườn thường xuyên, thu gom và tiêu hủy cành, thân bị hại. Đối với cây đang bị sâu phá, cưa bỏ cành bị đục để diệt sâu.

          2. Biện pháp sinh học

          - Dùng bẫy đèn vào đầu mùa mưa để bắt trưởng thành (xén tóc, bướm).

          - Bảo vệ thiên địch như loài ong Apenesia sahyadrica chuyên ký sinh sâu non.

anh tin bai

Ảnh: cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cắt tỉa cây cà phê

          3. Biện pháp hóa học

          Hiện chưa có thuốc BVTV đăng ký chuyên biệt cho sâu đục thân cà phê. Tuy nhiên, khi vườn có >7,5% cây xuất hiện dấu hiệu sâu hại, có thể tham khảo sử dụng một số thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất như Fenobucarb, Dimethoate... để xử lý cục bộ.

          Lưu ý: Phun thử nghiệm trên diện tích nhỏ trước khi phun diện rộng, đảm bảo không ảnh hưởng tới cây. Phun kỹ toàn bộ thân cây, vào sáng sớm hoặc chiều mát.

          Khuyến cáo: Người dân cần theo dõi sát tình hình sâu bệnh trên vườn cà phê, kết hợp nhiều biện pháp canh tác, sinh học và kiểm tra thường xuyên để bảo vệ hiệu quả vườn cây, nâng cao năng suất và chất lượng cà phê bền vững.

Tác giả: Lò Xuân Hoàng - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1