image banner
Phát huy vai trò cộng đồng trong nâng cao hiệu quả công trình cấp nước tập trung nông thôn
Lượt xem: 45
Việc đầu tư xây dựng hàng nghìn công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La trong những năm vừa qua đã góp phần cải thiện đáng kể điều kiện nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường cho người dân, đặc biệt tại khu vực vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên hiệu quả vận hành chưa đồng đều giữa các công trình. Bài viết phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bền vững của các công trình cấp nước, trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của cộng đồng địa phương và đặc điểm kỹ thuật đặc thù trong xử lý nước.

Công trình cấp nước – nền tảng cải thiện chất lượng sống

Với địa hình đặc thù là tỉnh miền núi, dân cư phân tán, rải rác, mô hình cấp nước tự chảy đã được lựa chọn và triển khai rộng rãi tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tính đến năm 2025, toàn tỉnh có hơn 1.800 công trình cấp nước tập trung, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân.

Khác với hệ thống cấp nước đô thị hoặc công trình cấp nước quy mô lớn có áp dụng công nghệ xử lý  hiện đại như lọc áp lực, khử trùng bằng clo, ozone hoặc UV, thì các công trình cấp nươc tự chảy tạ Sơn La chủ yếu sử dụng bể lắng, lọc ba ngăn sử dụng các vật liệu lọc tự nhiên như cát, sỏi, đá. Quá trình xử lý chủ yếu dựa trên cơ chế lắng và lọc thô, nhằm loại bỏ các tạp chất cơ bản trong nguồn nước mặt (chủ yếu là nước suối, khe đầu nguồn).

 Hiệu quả vận hành chưa đồng đều – góc nhìn từ thực tế

Một số công trình sau khi đưa vào sử dụng đã ghi nhận hiệu quả cấp nước chưa ổn định hoặc suy giảm theo thời gian. Nguyên nhân được xác định gồm:

* Vật liệu lọc không được vệ sinh, thay thế định kỳ, đấn đến tắc nghẽn, suy giảm khả năng lọc và ảnh hưởng đến chất lượng nước.

* Thiếu tổ chức quản lý tại chỗ, đặc biệt là việc kiểm tra, bảo dưỡng, xúc xả bể lọc và khơi thông đầu mối cấp nước còn mang tính tự phát.

* Ý thức cộng đồng về gìn giữ khu vực đầu nguồn còn hạn chế, xuất hiện tình trạng xả thải hoặc chăn thả gia súc, canh tác trong phạm vi bảo vệ công trình.

 Vật liệu lọc tự nhiên – điểm  đặc trưng của công trình cấp nước tự chảy

Yếu tố kỹ thuật đáng lưu ý ở các công trình này chính là cấu trúc lọc đơn giản, sử dụng chủ yếu vật liệu có sẵn tại địa phương như:

* Cát thạch anh: dùng để giữ lại các hạt lơ lửng, bụi bẩn.

* Sỏi đệm, đá dăm: hỗ trợ, phân bố dòng chảy và tăng hiệu quả lọc thô.

* Không áp dụng các hình thức khử trùng hoá học hoặc công nghệ cao.

Hệ thống công nghệ đơn giản này tuy phù hợp với điều kiện vùng cao và chi phí thấp, nhưng cũng đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn về vận hành thủ công, duy tu vật liệu lọc định kỳ. Khi lớp cát, sỏi bị bít tắc mà không được thau rửa hay thay thế kịp thời, công trình sẽ nhanh chóng giảm hiệu suất hoặc ngừng cấp nước (do tắc nghẽn làm nước không sang được khu bể chứa). Đây chính là điểm khác biệt với các công trình cấp nước có công nghệ xử lý hiện đại thường được đầu tư xây dựng ở các thị trấn, trung tâm xã có mật độ dân cư tập trung cao, lưu lượng nước lớn và yêu cầu cao về chất lượng nước đầu ra theo quy định.

Cộng đồng – yếu tố quyết định tính bền vững của công trình

Công trình cấp nước tự chảy không có hệ thống bơm hay vận hành tự động, do đó, vai trò của cộng đồng trong bảo trì, giám sát và xử lý sự cố là yếu tố sống còn. Các công việc kỹ thuật như:

* Thau rửa vật liệu lọc, bể lọc, thay cát lọc…

* Vệ sinh cửa thu nước, kiểm tra van khoá.

* Bảo vệ khu vực đầu nguồn và hệ thống đường ống dẫn nước…

Tất cả các các việc này đều cần và được thực hiện định kỳ bởi người dân địa phương nếu họ được tập huấn và phân công rõ ràng.

Việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước chỉ là bước khởi đầu. Để đảm bảo hiệu quả quản lý và vận hành lâu dài, đặc biệt đối với hệ thống các công trình cấp nước tập trung có công nghệ xử lý nước đơn giản như lọc cát – sỏi – đá, cần thiết phải xây dựng một cơ chế vận hành phù hợp với đặc điểm kỹ thuật và điều kiện nguồn lực tại chỗ. Khi cộng đồng được trao quyền, được đào tạo kỹ thuật và có trách nhiệm giữ gìn bảo vệ công trình, thì hiệu quả hoạt động của hệ thống cấp nước sẽ được nâng cao và duy trì ổn định.

Trong bối cảnh yêu cầu về chất lượng nước ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt, các công trình cấp nước tập trung nông thôn cần được rà soát, nâng cấp và ứng dụng công nghệ xử lý phù hợp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Việc tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sinh hoạt, do UBND tỉnh ban hành và đang có hiệu lực, là cơ sở quan trọng để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và đảm bảo tính bền vững của hệ thống cấp nước.

Tác giả: Lường Quỳnh – Chi cục Thuỷ lợi và Tài nguyên nước
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1