Sơn La ban hành tình huống khẩn cấp sau mưa lớn: Giao thông được khắc phục nhanh, nhưng nguy cơ gián đoạn giao thương nông sản vẫn gia tăng.
Mưa lớn trên diện rộng từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 đã khiến nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở đất đá, xói, sụt trượt taluy âm và hư hỏng công trình gây ắch tắc cục bộ tại một số vị trí. Đặc biệt, các tuyến: Quốc lộ 279D (kết nối Sơn La – Lai Châu), Quốc lộ 4G (Sơn La – Sông Mã- Sốp Cộp), Quốc lộ 43 (Phù Yên – Mộc Châu – Cửa khẩu Lóong Sập), đường tỉnh 101, 102 và 117C… đều xuất hiện hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ. Một số đoạn đường bị đất đá tràn lấp toàn bộ mặt đường, ảnh hưởng đến việc tiếp cận, di chuyển tới các xã vùng sâu, vùng xa và khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung.
Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, Sở Xây dựng tỉnh Sơn La chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên khẩn trương thực hiện công tác khắc phục, không để xảy ra tình trạng ách tắc kéo dài, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời, tham mưu với UBND tỉnh ban hành tình huống khẩn cấp thiên tai đối với hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các lực lượng chức năng, cùng với phương tiện cơ giới được điều động, hầu hết các tuyến bị sạt lở đã được khắc phục tạm thời, đảm bảo thông xe trong thời gian nhanh nhất.
Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, trong bối cảnh thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, nguy cơ sạt lở và chia cắt giao thông vẫn còn hiện hữu. Điều này có thể tiếp tục gây gián đoạn vận chuyển nông sản, ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hoá, sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn.
Tác động dây chuyền đến tiêu thụ nông sản
Sơn La đang bước vào thời điểm thu hoạch chính vụ nhiều loại nông sản chủ lực như: mận, xoài, nhãn, chanh leo, rau màu… Việc giao thông không ổn định khiến nông dân gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hoá ra thị trường; nhiều thương lái không thể tiếp cận vùng sản xuất, phải tạm ngừng thu mua hoặc ép giá; chi phí vận chuyển tăng cao, trong khi giá nông sản tại vườn có xu hướng giảm.
Một số vùng trũng còn xảy ra tình trạng ứ đọng do công trình tiêu thoát bị hư hỏng, ách tắc ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, làm tăng nguy cơ hư hỏng sau thu hoạch.
Yêu cầu phối hợp liên ngành để ứng phó lâu dài
Thực tế cho thấy, tình huống thiên tai không còn là vấn đề của riêng một ngành. Giao thông bị chia cắt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, tiêu thụ và giá cả thị trường, gây tổn thất kép cho người dân.
Do đó, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Xây dựng và Nông nghiệp, cụ thể: chủ động cập nhật, chia sẻ thông tin điểm sạt lở, vùng nguy cơ cao; xác định các tuyến giao thông phục vụ vận chuyển nông sản trọng điểm để ưu tiên khắc phục; hướng dẫn địa phương, Hợp tác xã xây dựng phương án vận chuyển linh hoạt, tận dụng đường tạm, đường vòng; kết nối tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử, hạn chế phụ thuộc vào thương lái thu mua tại vườn.
Về lâu dài, các phương án phòng, chống thiên tai của tỉnh cần được xây dựng theo hướng liên kết đa ngành, đặc biệt là giữa lĩnh vực giao thông, nông nghiệp và thương mại, để đảm bảo sự thông suốt trong chuỗi sản xuất – vận chuyển - tiêu thụ nông sản. Đồng thời, trong chính nội bộ ngành nông nghiệp cần tăng cường sự phối hợp giữa các lĩnh vực như thuỷ lợi, trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, phát triển nông thôn và quản lý thị trường, nhằm thiết lập các kịch bản ứng phó tổng thể, thống nhất và hiệu quả hơn trước các hình thái thiên tai ngày càng cực đoan.
Từ thiên tai đến thị trường – một chuỗi ảnh hưởng không thể tách rời
Việc Sở Xây dựng trình UBND tỉnh ban hành tình huống khẩn cấp và triển khai khắc phục nhanh các điểm sạt lở đã góp phần đảm bảo an toàn bước đầu, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Tuy nhiên, để giảm thiểu các tác động kéo dài sau thiên tai, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành, trong đó ngành Nông nghiệp và Môi trường đóng vai trò trung tâm trong việc giữ ổn định sản xuất và bảo vệ sinh kế của người dân. Việc kết nối kịp thời với ngành giao thông, thương mại, tài chính…sẽ giúp đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản không bị đứt gẫy và phục hồi nhanh hơn sau thiên tai.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, điều quan trọng không chỉ là xử lý tốt những gì đã xảy ra, mà còn phải chủ động ứng phó với các hình thái thiên tai có thể xảy ra tiếp theo. Thiên tai là thách thức liên ngành, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong chia sẻ thông tin, huy động nguồn lực và triển khai hành động. Chỉ khi có sự chung tay cùng vào cuộc mới có thể bảo vệ hiệu quả hạ tầng thiết yếu, đảm bảo sản xuất và ổn định đời sống của người dân khu vực nông thôn tỉnh Sơn La.