image banner
Kỹ thuật chăm sóc na Thái “na Hoàng Hậu ” giai đoạn ra hoa và phát triển quả
Lượt xem: 29
Na Thái, hay còn gọi là na Hoàng hậu, là giống cây ăn quả có nguồn gốc từ Thái Lan, được nhiều hộ dân tại Sơn La lựa chọn phát triển do có khả năng thích nghi tốt, quả to, ít hạt, vỏ mỏng, vị ngọt đậm và mẫu mã đẹp. 

Để cây na Thái đạt năng suất cao, quả chất lượng tốt và đáp ứng yêu cầu thị trường, việc chăm sóc đúng kỹ thuật trong giai đoạn ra hoa và phát triển quả là hết sức quan trọng, đặc biệt là các biện pháp cắt tỉa, thụ phấn bổ sung, bao quả, quản lý cỏ dại và sử dụng phân bón hợp lý.

Trước tiên, bà con cần quan tâm cắt tỉa và tuốt lá đúng thời điểm sẽ giúp cây phân hóa mầm hoa đồng loạt, giảm tỷ lệ rụng hoa và tạo tán thông thoáng, hạn chế sâu bệnh. Khi thấy lá đã già và giòn, bà con cần tiến hành tuốt toàn bộ lá và tỉa bớt các cành sâu bệnh, cành vô hiệu, đồng thời cắt ngọn tại điểm giáp giữa cành non và cành bánh tẻ để kích thích cây ra chồi mới. Trước khi tuốt lá khoảng 25-30 ngày, nên bón phân có hàm lượng lân cao như NPK 15-30-15 hoặc DAP, kết hợp phun MKP (0-52-34) để thúc đẩy quá trình phân hóa mầm hoa. Sau khi cắt tỉa 7-10 ngày, cây sẽ bật chồi mới, mỗi cành chỉ nên giữ lại 4-6 chồi khỏe để phát triển thành hoa và mang quả.

anh tin bai

Hình ảnh: Cắt tỉa cành tăm để tập trung dinh dưỡng nuôi quả

Thụ phấn bổ sung là biện pháp kỹ thuật quan trọng giúp tăng tỷ lệ đậu quả, hạn chế tình trạng quả méo, quả lép và giúp quả phát triển đồng đều hơn. Vào buổi chiều, bà con chọn những hoa mới nở có màu trắng xanh, chưa bung hết cỡ, cắt hoa và cho vào hộp có lót giấy trắng, đậy kín và để nơi thoáng mát. Sáng hôm sau, trong khoảng 8-9 giờ, khi phấn đã nứt, dùng que gỗ hoặc tăm nhỏ có quấn bông gòn chấm nhẹ vào các tiểu nhị để thu phấn. Phấn tốt có màu kem nhạt, nếu chuyển sang màu nâu hoặc đen là đã hỏng, không nên sử dụng. Chọn các hoa nở to, mọc trên cành to khỏe, nhụy có tiết mật để thụ phấn; một tay giữ bông hoa, tay còn lại chấm phấn nhẹ nhàng xoay tròn trên đầu nhụy cái từ 2-3 lần.

Sau khi cây đậu quả thành công, kỹ thuật bao quả cần được thực hiện sớm khi quả to khoảng bằng quả chanh. Bao quả là biện pháp sinh học hiệu quả, giúp ngăn ngừa sâu đục quả, ruồi vàng và các tác nhân gây hại khác, đồng thời giúp quả sáng mã, đồng đều, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nên sử dụng túi bao chuyên dụng như túi giấy xi măng hoặc túi vải không dệt, trước khi sử dụng nên xử lý túi bằng cách phơi nắng hoặc xịt thuốc sinh học. Khi bao, cần thao tác nhẹ nhàng, buộc kín phần cuống nhưng không làm tổn thương quả. Sau bao, tiếp tục theo dõi và chăm sóc, đặc biệt tăng cường phân kali trong giai đoạn quả sắp chín (dùng NPK 15-3-30 hoặc 15-5-25) để quả ngọt hơn, vỏ sáng bóng.

Song song với các kỹ thuật chính nêu trên, việc quản lý cỏ dại và dinh dưỡng đất cũng cần được chú trọng. Bà con nên thực hiện quản lý cỏ dại bằng phương pháp thủ công, không sử dụng thuốc trừ cỏ nhằm bảo vệ môi trường và duy trì độ phì nhiêu của đất. Khi cỏ mọc cao, có thể tiến hành cuốc, nhổ hoặc dẫy bằng tay, đồng thời tận dụng thân lá cỏ làm lớp phủ gốc giữ ẩm. Trong suốt vụ, nên kết hợp bón phân vô cơ với bổ sung phân bón hữu cơ hoai mục như phân chuồng ủ, phân compost hoặc phân vi sinh. Phân hữu cơ không chỉ cung cấp dinh dưỡng ổn định mà còn cải tạo đất, tăng khả năng giữ ẩm và hạn chế thoái hóa đất, từ đó tạo điều kiện cho cây sinh trưởng ổn định, bền vững lâu dài.

anh tin bai

Hình ảnh: Bao quả cho Na Hoàng Hậu

Việc kết hợp đồng bộ các biện pháp cắt tỉa - thụ phấn - bao quả, cùng với quản lý cỏ dại sinh học và sử dụng phân hữu cơ là hướng đi phù hợp trong sản xuất na Thái chất lượng cao. Đây cũng là giải pháp góp phần xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, thân thiện môi trường, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập bền vững cho bà con nông dân Sơn La.

Tác giả: Nguyễn Huyền Trang - Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1