Kế hoạch Quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030
Ngày 16/4/2025, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND về Quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030.
Để triển khai có hiệu quả việc Quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Sơn La, UBND tỉnh Sơn La đã đề ra mục tiêu:
(1) Phấn đấu đến năm 2026: Phấn đấu 80% các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch không lưu hành và sử dụng túi ni lông khó phân huỷ và sản phẩm nhựa dùng một lần (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Phấn đấu thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 70% lượng chất thải nhựa phát sinh. Giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
(2) Phấn đấu đến năm 2030: Không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Sử dụng 100% túi đựng, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh. 100% khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh có khu vực phân loại, lưu giữ, xử lý riêng chất thải nhựa. Không đầu tư các cơ sở sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Nông nghiệp và Môi trường là đơn vị đầu mối tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch này, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này và Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, phù hợp với quy định hiện hành và điều kiện thực tế của địa phương. Tham mưu với UBND tỉnh xây dựng hướng dẫn về phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhằm tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa tối đa, hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, tái chế nhựa, các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố (UBND cấp xã khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp) có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ban, ngành tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật, các giải pháp quản lý chất thải nhựa trên địa bàn quản lý. Hướng dẫn, yêu cầu các xã, phường, thị trấn (tổ, bản, khu dân cư khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp) đưa nội dung về bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý chất thải nhựa, nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi ni lông khó phân hủy vào Hương ước, Quy ước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân trên địa bàn về tác hại của chất thải nhựa và sản phẩm nhựa sử dụng một lần đối với môi trường. Định kỳ huy động các lực lượng trong nhân dân tổ chức các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy, thu gom, xử lý chất thải nhựa trên các sông, suối, kênh, mương,… Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định môi trường đối với các cơ sở buôn bán bao bì, các cơ sở sản xuất, tái chế nhựa; xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý chất thải rắn theo thẩm quyền.
File đính kèm: Tải về
Thiều Quang Phi Hùng - QLMT