image banner
Chủ động ứng phó với nắng nóng, hạn hán kéo dài ở Sơn La
Lượt xem: 48
Là tỉnh chịu tác động của Biến đổi khí hậu, trước những diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa hè năm 2025, tỉnh Sơn La đang phải đối mặt với nguy cơ cao xảy ra nắng nóng gay gắt và hạn hán kéo dài. Việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó là yếu tố then chốt để bảo vệ sức khỏe, ổn định sản xuất và đảm bảo an toàn đời sống cho nhân dân.

Nắng nóng cực đoan gia tăng

Theo đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, từ tháng 5 đến tháng 7/2025, khu vực tỉnh sẽ xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ dao động từ 37-400 C, có nơi cao hơn. Tình trạng thời tiết cực đoan này làm gia tăng nguy cơ hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất, nhất là tại các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, nắng nóng còn gây áp lực lớn lên hệ thống cấp nước, hạ tầng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và làm tăng nguy cơ cháy rừng, cháy nổ trong khu dân cư. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng nắng nóng có khả năng xuất hiện với tần xuất cao hơn, cường độ mạnh hơn và phạm vi ảnh hưởng rộng hơn.

Tác động sâu đến đời sống, sản xuất

Nắng nóng không chỉ làm suy giảm sức đề kháng của con người mà còn đẩy nhanh tốc độ bốc hơi nước trong đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng, vật nuôi. Nhiều khu vực có nguy cơ khan hiếm nước sinh hoạt, nhất là tại các làng bản xa trung tâm. Trong sản xuất nông nghiệp, việc tưới tiêu gặp khó khăn; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có nguy cơ bùng phát do điều kiện bất lợi.

Hành động thiết thực từ mỗi người dân

- Hạn chế ra ngoài từ 10h đến 16h; mặc quần áo chống nắng, đội mũ, đeo kính khi phải di chuyển hay làm việc dưới trời nắng; uống đủ nước, bổ sung vitamin và chất điện giải.

- Thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo rủi do thiên tai và có phương án ứng phó kịp thời.

- Không đốt nương rãy, rơm rạ trong thời điểm nắng nóng để phòng cháy rừng.

- Chủ động tích trữ và sử dụng nước tiết kiệm.

Giải pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp

Trong lĩnh vực trồng trọt, người dân cần chủ động theo dõi bản tin dự báo thời tiết nhằm điều chỉnh thời vụ hợp lý, tránh xuống giống vào thời điểm nắng nóng cao điểm; tăng cường che phủ đất bằng rơm rạ, vật liệu hữu cơ để giữ ẩm; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm như tưới giỏ giọt, tưới luân phiên vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Đối với chăn nuôi, cần đảm bảo chuồng trại thông thoáng, sạch sẽ; bổ sung dinh dưỡng, vitamin,chất điện giải để tăng sức đề kháng cho vật nuôi; cung cấp đủ nước sạch và thường xuyên theo dõi, phòng ngừa dịch bệnh phát sinh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Nắng nóng làm tăng nhiệt độ nước, dẫn tới suy giảm lượng ôxi hòa tan gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh trưởng của các loại thủy sản. Tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây thất thoát nước. Để giảm thiểu thiệt hại về thủy sản, người dân cần tăng cường sục khí ao nuôi, che mát ao nuôi (trồng cây ven bờ, che lưới...), tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào mặt nước. Bổ sung men tiêu hóa, khoáng chất, vitamin để tăng sức đề kháng cho cá, tôm. Theo dõi thường xuyên các chỉ tiêu môi trường (nhiệt độ, pH, Oxy và Amoni..) để xử lý kịp thời và tranh thay nước đột ngột gây sốc nhiệt tới các loài thủy sản trong khu vực nuôi.

Quản lý hiệu quả công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt

Để đảm bảo an toàn nguồn nước, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt cần tăng cường công tác rà soát, đánh giá hiện trạng các hồ chứa, đập dâng, hệ thống kênh mương; kịp thời sửa chữa, nâng cấp các hạng mục xuống cấp.

Xây dựng kế hoạch phân phối, điều tiết nước hợp lý, ưu tiên phục vụ nước sinh hoạt, chăn nuôi và cây trồng chủ lực.

Chủ động tích trữ nước, vận hành linh hoạt công trình để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong cao điểm khô hạn.

Phối hợp với chính quyền địa phương và người dân trong khai thác, vận hành nhằm tuyên truyền bảo vệ và sử dụng nước hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm.

Nắng nóng, hạn hán không chỉ là hiện tượng thời tiết mà đã trở thành một loại hình thiên tai ngày càng phổ biến. Do vậy, việc chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó cần được thực hiện từ sớm, đồng bộ và hiệu quả. Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, các ngành chức năng cùng tinh thần cảnh giác, tự giác của người dân sẽ là “lá chắn” vững chắc giúp giảm nhẹ thiệt hại, bảo vệ cuộc sống và sản xuất ổn định trong mùa khô hạn, nắng nóng sắp tới.

Người viết : Lường Quỳnh – Chi cục Thủy lợi và Tài nguyên nước

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1