Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi vụ đông xuân 2024-2025
(Ảnh: Kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống đói rét tại xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên)
Thực hiện Công điện số 07/CĐ-TTg ngày 26/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài.
Ngày 10/02/20025 Chi cục Chăn nuôi, thú y và Thuỷ sản đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành công văn về chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài, trong đó đề nghị UBND các huyện, thị xã thành phố chỉ đạo triển khai một số nội dung chính như sau:
Một là tập trung chỉ đạo quyết liệt, áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Thành lập các đoàn công tác về cơ sở kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi. Chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở phối hợp với các đoàn thể huy động nguồn nhân lực tại chỗ hỗ trợ kịp thời cho người dân triển khai các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi có hiệu quả.
Hai là chỉ đạo các phòng ban, cơ quan chuyên môn, phối hợp với các đoàn thể và chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi biết cách chăm sóc nuôi dưỡng và chuẩn bị dự trữ thức ăn thô xanh như rơm, rạ, cỏ khô, thân cây ngô, lá mía, ngọn mía... làm thức ăn cho trâu, bò vào vụ đông, mỗi hộ chăn nuôi trâu, bò phải dự trữ rơm, lượng thức ăn dự trữ đáp ứng cho trâu, bò đảm bảo bình quân 5-7 kg rơm khô/con/ngày trong những ngày giá rét.
Ba là hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật, sửa chữa, che chắn chuồng trại tránh mưa rét, gió lùa; không cho gia súc làm việc hay chăn thả ngoài đồng, bãi chăn thả, trên rừng qua đêm trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 12ºC nên nuôi nhốt trâu bò tại chuồng để quản lý chăm sóc; bổ sung thức ăn tinh, thức ăn giàu đạm, thức ăn thô xanh, nước uống ấm, vitamin, muối khoáng…, đốt lửa sưởi ấm cho vật nuôi (đặc biệt gia súc non) trong những ngày giá rét để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho đàn gia súc. Tẩy ký sinh trùng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin định kỳ và bổ sung để nâng cao sức miễn dịch, chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Bốn là cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu ở địa phương, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, không chủ quan và chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi.
Năm là chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, các hộ vùng đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách..., che chắn chuồng trại, mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi./.