Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai sẽ tạo minh bạch và hiệu quả hơn, giúp công tác quy hoạch, chỉ đạo điều hành và phát triển kinh tế xã hội của các bộ ngành, địa phương được tối ưu, thuận tiện
Như chúng ta đã biết, đất đai là một trong những vấn đề vô cùng phức tạp, quá trình sử dụng đất trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, quy hoạch, xác định nguồn gốc sử dụng đất, quá trình biến động đất đai … mất rất nhiều thời gian để tra cứu các tài liệu liên quan, thậm chí nhiều khu đất không còn tài liệu lịch sử để xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng, dẫn đến việc tranh chấp, lấn chiếm đất đai phức tạp, khó giải quyết và kéo dài. Việc xem xét một thửa đất, một bất động sản, người dân mất khá nhiều thời gian tìm kiếm tài liệu về nguồn gốc, quy hoạch, thông tin về giá, quyền sử dụng hay tranh chấp, lấn chiếm…..
Quá trình chuyển đổi số trong thời gian qua đã làm xoay chuyển những vấn đề trên. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đã giúp cho người dân và doanh nghiệp tìm hiểu các thông tin về quy hoạch, giá đất, nguồn gốc, loại đất… một cách thuận tiện, dễ dàng trên website của sở Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai như đóng thuế, thuê đất, kê khai các biến động… thông qua cổng dịch vụ công của Sở Tài nguyên môi trường … một cách dễ dàng, tiện lợi, không phải đến trưc tiếp trụ sở cơ quan chức năng, tiết kiệm được thời gian đi lại và chi phí… Đây là một số trong những quyền lợi rõ rệt mà người dân được thụ hưởng nhờ hiệu quả của chuyển đổi số công tác quản trị đất đai ngành tài nguyên môi trường đem lại trong những năm gần đây.
Chuyển đổi số trong quản trị đất đai ngành tài nguyên môi trường đang đem đến những quyền lợi thiết thực cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý của cơ quan chức năng; đã đang từng bước thay đổi cách cơ quan chức năng quản lý, giám sát, điều hành công tác quản trị đất đai cũng như cách thức mà người dân tiếp cận. Thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được kết nối với các bộ ngành, địa phương, cơ quan chức năng sẽ có một cái nhìn bao quát toàn cảnh về tình hình quy hoạch, quản lý đất đai từng khu vực để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, tránh sự chồng chéo, giảm thiểu tối đa các sai sót, trở nên minh bạch, hiệu quả hơn…
Theo Chương trình chuyển đổi số năm 2025, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện quản lý, điều hành cơ bản trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số; áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; xây dựng và hoàn thiện đúng tiến độ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận thông tin về quản lý, quy hoạch và sử dụng đất. Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và mọi biến động đất đai, đồng thời có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước…. hướng tới mục tiêu phải hoàn thành xây dựng cơ dữ liệu và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai thống nhất, đồng bộ và kết nối liên thông.
Hệ thống thông tin đất đai quốc gia sẽ có vai trò cung cấp thông tin, đưa nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thông qua kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin như: dân cư, xây dựng, thuế, sàn giao dịch bất động sản, cơ sở dữ liệu công chứng... phục vụ công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ảnh minh họa: Chuyển đổi số giúp minh bạch thông tin, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, ngăn chặn tình trạng “sốt đất”.
Cùng với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La và sự quyết tâm triển khai đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác chuyển đổi số của ngành tài nguyên môi trường. Đến nay đã có 12/12 huyện, thị xã, thành phố đã và đang xây dựng mới cơ sở dữ liệu đất đai CSDL địa chính, chuyển đổi dữ liệu 1.130.015 thửa đất; cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai 6/12 huyện; cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 6/12 huyện; cơ sở dữ liệu giá đất 6/12 huyện; thực hiện kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư với dữ liệu của 12/12 đơn vị hành chính cấp huyện.
Để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, phát huy hiệu quả, giá trị cơ sở dữ liệu đất đai, tăng cường cung cấp các dịch vụ về đất đai, nâng cao khả năng tiếp cận của công dân, doanh nghiệp đối với thông tin đất đai cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai thác, sử dụng, thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường mạng, ngày 21/01/2025, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 168/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin để vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Sơn La, theo đó công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh đã có nhiều chuyển biến; công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện trên môi trường điện tử; cung cấp đầy đủ qua dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, góp phần thiết thực vào công cuộc số hóa quốc gia, thúc đẩy nền kinh tế số./.
TH- Trung tâm Công nghệ thông tin