image banner
Một số điểm mới tại Thông tư số 07/2025/TT-BTNMT ngày 28/02/2025 của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Lượt xem: 25
Ngày 28/02/2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban Thông tư số 07/2025/TT-BTNMT sửa đổi Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và có hiệu lực kể từ ngày ký

Thông tư đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính như sau:

1. Nguyên tắc làm việc và trách nhiệm của hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra cấp giấy phép môi trường như sau:

1.1. Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tư vấn cho cơ quan cấp phép trong quá trình cấp, cấp lại giấy phép môi trường của dự án đầu tư; chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp giấy phép môi trường và trước pháp luật về kết quả thẩm định.

1.2. Đoàn kiểm tra cấp giấy phép môi trường có trách nhiệm kiểm tra thực tế tại địa điểm thực hiện dự án đầu tư, cơ sở và đối chiếu với hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy phép môi trường của chủ dự án đầu tư, cơ sở, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp giấy phép môi trường và trước pháp luật về kết quả kiểm tra.

1.3. Hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra làm việc theo nguyên tắc thảo luận công khai.

1.4. Phiên họp chính thức của hội đồng thẩm định hoặc triển khai đoàn kiểm tra chỉ được tiến hành khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Hội đồng thẩm định phải có sự tham gia trực tiếp tại phiên họp hoặc tham gia họp trực tuyến của tối thiểu 2/3 (hai phần ba) số thành viên, trong đó phải có chủ tịch hoặc phó chủ tịch hội đồng được ủy quyền (sau đây gọi chung là người chủ trì) và thành viên thư ký; 

- Đoàn kiểm tra phải có sự tham gia trực tiếp tại cuộc kiểm tra của tối thiểu 2/3 (hai phần ba) số thành viên, trong đó phải có trưởng đoàn kiểm tra hoặc phó trưởng đoàn kiểm tra được ủy quyền và thành viên thư ký;

- Có sự tham gia của đại diện có thẩm quyền hoặc đại diện được ủy quyền của chủ dự án đầu tư, cơ sở theo quy định.

1.5. Thành viên hội đồng thẩm định vắng mặt được gửi bản nhận xét trước phiên họp chính thức của hội đồng và được coi là ý kiến của thành viên tham dự phiên họp chính thức của hội đồng nhưng không viết phiếu thẩm định.

1.6. Đại biểu tham gia cuộc họp của hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra do cơ quan cấp giấy phép môi trường quyết định trong trường hợp cần thiết. Đại biểu tham gia được phát biểu ý kiến trong các cuộc họp của hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra, chịu sự điều hành của người chủ trì, được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật.

1.7. Chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng thẩm định, trưởng đoàn, phó trưởng đoàn kiểm tra, thành viên thư ký hội đồng thẩm định, thành viên thư ký đoàn kiểm tra phải là công chức của cơ quan thẩm định, cấp giấy phép môi trường hoặc cơ quan chuyên môn được ủy quyền, giao nhiệm vụ.

1.8. Chủ tịch hội đồng (hoặc phó chủ tịch hội đồng được chủ tịch hội đồng ủy quyền trong trường hợp vắng mặt), trưởng đoàn kiểm tra (hoặc phó trưởng đoàn kiểm tra được trưởng đoàn kiểm tra ủy quyền trong trường hợp vắng mặt) chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp giấy phép môi trường và trước pháp luật về nội dung thẩm định, kết quả kiểm tra; có trách nhiệm ký biên bản họp hội đồng thẩm định, biên bản kiểm tra theo quy định.

1.9. Thành viên hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp giấy phép môi trường và trước pháp luật về những nhận xét, đánh giá đối với hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy phép môi trường và nội dung, công việc được người chủ trì phân công trong quá trình thẩm định, kiểm tra. Thành viên hội đồng thẩm định được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật; thành viên đoàn kiểm tra được hưởng thù lao như thành viên hội đồng thẩm định.

1.10. Kết quả của hội đồng thẩm định cấp giấy phép môi trường được quy định như sau:

- Thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung: khi tất cả thành viên tham dự phiên họp chính thức của hội đồng thẩm định có phiếu thẩm định thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung;

- Không thông qua: khi có trên 1/3 (một phần ba) số thành viên tham dự phiên họp chính thức của hội đồng thẩm định có phiếu thẩm định không thông qua;

- Thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung: không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

1.11. Kết quả của đoàn kiểm tra cấp giấy phép môi trường được quy định như sau: 

- Đồng ý cấp giấy phép môi trường: khi tất cả thành viên đoàn kiểm tra có ý kiến đồng ý cấp giấy phép môi trường không cần chỉnh sửa, bổ sung;

- Không đồng ý cấp giấy phép môi trường: khi có trên 1/3 (một phần ba) số thành viên tham dự đoàn kiểm tra có ý kiến không đồng ý;

- Đồng ý cấp giấy phép môi trường với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung: không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

2. Chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại lập kế hoạch quản lý môi trường theo nội dung quy định tại điểm g khoản 3 Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường, một số nội dung được hướng dẫn chi tiết như sau:

- Kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải: Danh mục các hệ thống, thiết bị xử lý chất thải; danh mục, khối lượng chất thải được phép thu gom, xử lý; chất thải phát sinh từ quá trình hoạt động; phân định, phân loại chất thải phát sinh để có biện pháp quản lý phù hợp; sơ đồ cân bằng sử dụng nước, phát sinh  nước thải; sản phẩm tái chế, thu hồi từ quá trình xử lý;

- An toàn lao động, vệ sinh lao động: Biện pháp bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an toàn cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; kế hoạch khám sức khỏe định kỳ hằng năm theo quy định của pháp luật về lao động;

- Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường: Công trình, thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải; sơ đồ tóm tắt, dạng rút gọn (hoặc dạng sơ đồ) quy trình ứng phó sự cố chất thải; việc xây dựng, ban hành và công khai kế hoạch ứng phó sự cố chất thải;

- Đào tạo, tập huấn định kỳ hằng năm: Định kỳ đào tạo; nội dung đào tạo; đối tượng đào tạo;

- Chương trình giám sát môi trường: Thời gian, thông số, tần suất quan trắc, giám sát chất thải theo quy định; việc quản lý, kiểm soát chất lượng hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục theo quy định;

- Đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại: Kế hoạch và nội dung đánh giá sự phù hợp và hiệu quả xử lý chất thải nguy hại của hệ thống, công trình, thiết bị xử lý chất thải;

- Phương án xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường sau khi kết thúc hoạt động: Biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình phá dỡ; phạm vi và phương án cải tạo, phục hồi môi trường.

 

Phan Thị Ngọc – Chuyên viên phòng Quản lý môi trường

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1