Chủ động phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng trong kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Sơn La, thời tiết dịp nghỉ lễ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa đến mưa to, nền nhiệt giảm nhẹ; sau đó khoảng ngày 3–4/5 nền nhiệt tăng, có thể xuất hiện nắng nóng cục bộ. Diễn biến thời tiết này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng SVGH phát sinh, phát triển và gây hại nghiêm trọng cho cây trồng. Như: rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh đạo ôn hại lúa vụ xuân; rầy xanh, bệnh chấm xám hại chè; rệp, sâu đục thân, bệnh thán thư, bệnh gỉ sắt, chùn ngọn hại cà phê; rệp xơ bông trắng, sâu đục thân hại mía; rệp, bọ xít nâu, rầy chổng cánh vân nâu, bệnh thán thư hại nhãn; sâu đục thân, ruồi đục quả, bệnh thán thư hại xoài; sâu đục lá cà chua Nam Mỹ hại cà chua…
Ảnh: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La khuyến cáo người dân chủ động các giải pháp phòng, chống sinh vật gây hại trên cây ăn quả.
Để bảo vệ an toàn sản xuất vụ Xuân Hè 2025, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La khuyến cáo người dân chủ động các giải pháp phòng, chống sinh vật gây hại (SVGH) cây trồng. Cụ thể:
- Trên nhóm cây lương thực: Trên lúa vụ xuân tại các huyện Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Sốp Cộp, Phù Yên, Yên Châu, Vân Hồ, thị xã Mộc Châu và thành phố Sơn La, các SVGH như rầu nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, chuột, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bạc lá, đạo ôn, khô vằn… tiếp tục phát sinh và lây lan, ảnh hưởng năng suất, sản lượng lúa xuân. Trên ngô xuân hè, cần lưu ý sâu keo mùa thu và một số SVGH trên cây sắn.
Ảnh: Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra sâu bệnh hại lúa xuân tại Sông Mã
- Trên nhóm cây ăn quả: Các loại cây như mận, xoài, nhãn đang trong giai đoạn hoa, phát triển quả đến thu hoạch – thời kỳ mẫn cảm với SVGH. Do đó, cần chủ động phòng trừ rệp sáp, rệp muội, bệnh phấn trắng, ruồi đục quả, bệnh thối quả trên mận; sâu đục thân, sâu đục quả, bệnh thán thư, bệnh phấn trắng trên xoài; rệp, rầy chổng cánh, bọ xít nâu, bệnh thán thư… trên cây nhãn.
- Trên nhóm cây công nghiệp: Cà phê, chè, mía cần chú ý các đối tượng như rệp, sâu đục thân, bệnh thán thư, gỉ sắt, chùn ngọn (cà phê); rầy xanh, nhện đỏ, bọ trĩ, bọ xít muỗi, bệnh chấm xám, dán cao (chè); sâu đục thân, rệp xơ bông trắng, bệnh than (mía).
Ảnh: Châu chấu tre lưng vàng gây hại trên rừng tre nứa tại huyện Sốp Cộp
- Trên nhóm cây rau màu: Chú ý phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ hại cây cà chua;...
- Trên nhóm cây lâm nghiệp: Tăng cường phát hiện sớm các ổ châu chấu, theo dõi chặt chẽ quá trình phát sinh, phạm vi gây hại, hướng di chuyển, các điểm co cụm của châu chấu tre để chủ động phòng trừ, tránh bùng phát diện rộng.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ tỉnh Sơn La khuyến cáo các địa phương, cơ sở sản xuất tăng cường theo dõi tình hình thời tiết, kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), xử lý kịp thời, hiệu quả để hạn chế thiệt hại trong sản xuất trồng trọt, đặc biệt trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5 sắp tới.
Lò Xuân Hoàng - Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh.