image banner
OCOP - Cơ hội phát triển sản phẩm địa phương
Lượt xem: 41
Toàn tỉnh Sơn La hiện có 204 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 01 sản phẩm 05 sao (sản phẩm cấp quốc gia), 62 sản phẩm 04 sao (sản phẩm cấp tỉnh) và 141 sản phẩm 03 sao (sản phẩm cấp huyện).

Thực hiện Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1593/QĐ-UBND ngày 24/8/2023 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt Đề án “Phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, đến nay chương trình đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Kết quả, sau hơn 5 năm triển khai Chương trình toàn tỉnh có 204 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 01 sản phẩm 05 sao (sản phẩm cấp quốc gia), 62 sản phẩm 04 sao (sản phẩm cấp tỉnh) và 141 sản phẩm 03 sao (sản phẩm cấp huyện).

anh tin bai

Ảnh: Sản phẩm OCOP chè Trọng Nguyên HTX sản xuất kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận

Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; Ban Chỉ đạo xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới các huyện, thị xã, thành phố và các xã đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện, có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện Chương trình. Sản phẩm OCOP đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Các địa phương trong tỉnh đã thấy được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế và thương mại cao, bao gồm 5 nhóm chính: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm và dịch vụ du lịch nông thôn. Khai thác tiềm năng này, tỉnh đã chú trọng phát triển các sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, hướng tới các mục tiêu như: phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế tại các xã, phường, thị trấn; thực hiện hiệu quả tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các địa phương cũng đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao. 

anh tin bai

Ảnh: Sản phẩm OCOP Trà Xanh Thiện - Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc

Các HTX, doanh nghiệp đã chủ động thay đổi tư duy sản xuất, đổi mới khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua nền tảng số. Nhiều sản phẩm đã có mặt tại các chuỗi siêu thị và đại lý, cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Đến hết năm 2025, tỉnh phấn đấu đạt 210 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, qua đó góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng hiệu quả, thiết thực và bền vững./.

Chi cục Phát triển nông thôn

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1