image banner
Hướng dẫn nhận biết và phòng trừ ruồi đục quả (Bactrocera spp) gây hại trên xoài
Lượt xem: 116
Ruồi đục quả xoài (Oriental fruit fly) có tên khoa học là Bactrocera dorsalis (Hendel), thuộc họ Trypetidae, bộ hai cánh (Diptera). Ruồi đục trái là côn trùng đa thực, gây hại hơn 30 loại cây ăn trái và rau cải. Có nhiều loài ruồi đục quả xoài, trong đó phổ biến nhất là B. dorsalis, B.coresta, B.cucurbitea.

1. Đặc điểm hình thái của Ruồi đục quả

- Trứng: có hình hạt gạo, màu trắng sữa, khi sắp nở chuyển sang vàng nhạt.

- Dòi: khi mới nở chỉ dài khoảng 1,5 mm đục vào thịt trái, ấu trùng càng lớn, càng đục sâu vào trong làm trái bị hư, thối và ứa nước ra ngoài, phát triển đầy đủ dài 6 - 8 mm, màu vàng nhạt, miệng có móc.  Giai đoạn ấu trùng xảy ra bên trong trái, kéo dài khoảng 8 - 10 ngày, qua 2 lần lột xác (3 tuổi) trước khi co mình búng ra khỏi trái để hóa nhộng trong đất, thời gian nhộng khoảng 7 - 12 ngày hoặc dài hơn nếu gặp lạnh. Dòi làm nhộng sâu trong lòng đất khoảng 3 - 7 cm.

- Nhộng: có chiều dài 5 - 7 mm, có hình trứng dài, lúc đầu màu vàng nâu, khi sắp vũ hóa có màu nâu đỏ.

- Thành trùng (ruồi trưởng thành): có thể dài 6 - 9 mm, sải cánh rộng 1,3 mm, đầu có dạng hình bán cầu, mặt trước màu nâu đỏ với 6 chấm đỏ - đen. Thân màu vàng nâu đỏ với những vân vàng, cánh trong, hình dạng giống như ruồi nhà, hoạt động vào ban ngày. Thành trùng hiện diện suốt năm, thời gian sống của thành trùng từ 1 - 3 tháng và có khả năng bay rất xa. Ruồi cái to hơn ruồi đục và có kim đẻ trứng dài, nhọn ở cuối bụng. Ruồi sau khi nở 3 - 4 ngày sẽ bắt cặp và đẻ trứng. Ruồi cái thích đẻ trứng trên trái chín. Một con có thể đẻ 150 - 400 trứng.

Khi đẻ, ruồi dùng kim đẻ trứng chích qua da trái nơi tiếp giáp giữa vỏ và thịt trái và đẻ vào từng chùm trứng. Trứng dài trung bình 1,0 - 1,5mm, hai đầu nhọn, hơi cong, trứng mới đẻ có màu trắng, sau chuyển vàng và nở sau 1 - 3 ngày.

2. Đặc điểm nhận biết

- Ruồi dùng ống đẻ trứng chích sâu vào trong thịt quả, đẻ trứng thành từng ổ ở những quả chín và bắt đầu chín. Sâu non nở ra phá hoại phần thịt quả, làm quả bị thối, úng và rụng.

- Vỏ quả xoài tại nơi bị ruồi đục có màu đen, mềm, ứa nhựa hấp dẫn côn trùng đẻ trứng, nấm bệnh đến gây hại khiến trái bị biến màu, thối. Những quả đó có thể rụng trước khi chín hoặc tiếp tuc treo trên cây. Nếu còn trên cây, giá trị thương phẩm cũng giảm do thịt quả bị thối bên trong.

3. Biện pháp phòng trừ

- Vệ sinh vườn sạch sẽ, thu gom tiêu hủy các quả bị bệnh, quả rụng. Đồng thời bao trái, thu hoạch khi trái vừa chín. Ngoài ra, dùng chất dẫn dụ Methyl Augenol và thuốc trừ sâu mùi nhẹ treo vào trong tán cây, độ cao từ 1,5-2m để bẫy ruồi đực.

- Khi phát hiện ruồi đục trái với số lượng nhiều, có thể sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất sau: hoạt chất Spinosad (Success 25SC; Akasa 25SC, 250WP; ...).

- Chú ý, phải phun xịt thuốc theo phương pháp 4 đúng. Biện pháp an toàn, hiệu quả nhất là biện pháp bao trái: Khi xoài to độ quả trứng gà nên bao trái, ngoài việc ngừa ruồi đục trái, bao trái còn giúp phòng bệnh thán thư, thối đáy trái, sâu đục quả…./.

Tác giả: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1