image banner
Hướng dẫn nhận biết, phòng trừ bọ vòi voi đục quả (Stenochetus frigidusFabricius) và sâu đục hạt (Deanolis albizonalisHampson) gây hại trên xoài
Lượt xem: 154

I. BỌ VÒI VOI ĐỤC QUẢ (Stenochetus frigidusFabricius)

1. Đặc điểm hình thái

Đặc điểm hình thái

- Trưởng thành có màu nâu tối, trên thân có nhiều đốm nhạt màu và có nhiều vảy gai xù xì bao quanh bảo vệ cơ thể. Thân mập, đầu nhỏ, dài khoảng 6-9 mm.

- Trứng, khi mới đẻ màu kem trắng, hình e líp chiều dài khoảng 0,6-0,8 mm và chiều rộng khoảng 0,2-0,3 mm.

- Sâu non màu trắng, chân bị thoái hóa, đầu màu nâu hoặc nâu đen, mới nở kích thước khoảng 1-1,5 mm, khi đẫy sức có thể dài tới 17 mm.

- Nhộng, khi mới hóa nhộng có màu trắng, sau chuyển sang màu đỏ nhạt và dài tới 10 mm..

2. Đặc điểm nhận biết

Sâu non sau khi nở đục vào phần thịt quả và ăn bên trong, khi bổ quả sẽ thấy các đường hầm chứa đầy phân màu đen (loài Sternochetus olivieri (Faust) không đục phần thịt quả mà đục xuyên qua lớp thịt vào thẳng phôi hạt và phát triển bên trong phôi).

Triệu chứng bên ngoài quả khi sâu đục quả mới gây hại rất khó phát hiện. Khi sâu tuổi lớn mới có biểu hiện phần đuôi quả có chấm đen đó là phần nhựa quả chảy ra khi sâu đục vào. Sau này chấm đen đó là phần lỗ đục để trưởng thành vũ hóa chui ra ngoài.

3. Biện pháp phòng trừ

Đây là đối tượng rất khó phòng trừ, khó phát hiện nên cần áp dụng đồng loạt và trên diện rộng. Một số biện pháp để quản lý loài này như sau:

- Tỉa cành thông thoáng trước mùa ra hoa.

- Thu gom tất cả các trái bị nhiễm sâu đục quả (trái rụng dưới đất và trái còn trên cây) ra khỏi vườn và tiêu hủy.

- Nếu cây xòai còn thấp hoặc những trái ở dưới thấp, sau khi đậu quả ổn định khoảng 30-45 ngày nên bao quả bằng túi vải màng PE, Túi giấy dầu hoặc bao chuyên dùng để ngăn chặn không cho sâu tiếp xúc với quả để gây hại. Trước khi bao quả vài ngày nên phun phòng thuốc thuốc trừ sâu, bệnh cho quả. Những vườn thường xuyên bị sâu gây hại nặng hàng năm, thường xuyên kiểm tra vườn xoài, nếu thấy quả bị sâu gây hại thì có thể dùng một trong các lọai thuốc có hoạt chất như: Abamectin (Catex 3.6EC; Javitin 36EC; ...); Spinosad (Akasa 25SC, 250WP; ...); Abamectin + Azadirachtin (Agassi 55EC; ...); ...  để phun (nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất của mỗi loại thuốc để phòng trừ sinh vật hại).  Khi bao xong quả nếu thấy sâu, bệnh hại xoài tiến hành phòng trừ. Từ giai đoạn quả già (đóng xơ) trở đi phải chú ý bảo đảm đủ thời gian cách ly của thuốc để tránh gây độc hại cho người tiêu dùng.

Lưu ý: Tuyệt đối không phun thuốc vào thời kỳ cây đang ra hoa.

II. SÂU ĐỤC HẠT XOÀI (Deanolis albizonalisHampson)

1. Đặc điểm hình thái

- Trưởng thành sâu đục hạt xoài là một loài ngài, sải cánh rộng dài gần 3cm, thân mình màu nâu đỏ, có khoang đỏ-trắng xen kẽ. Cánh sau màu trắng xám, trước mầu nâu.

- Trứng hình màu trắng sáp, bầu dục.

- Sâu non thân mình màu khoang trắng, xen kẽ khoang đỏ.

- Nhộng dài khoảng từ 1-1.2cm, mầu vàng nâu hoặc vàng nhạt.

2. Đặc điểm nhận biết

- Sâu chủ yếu gây hại lúc xoài còn non, hạt còn mềm và kéo dài tới khi thu hoạch, dấu hiệu dự báo sâu đục hạt là trong vườn xuất hiện nhiều xoài non rụng trên mặt đất, cắt ra thì thấy có sâu bên trong, nếu xoài lớn thì vẫn còn treo trên cây nhưng chóp quả bị thối nhũn.

- Con ngài thường hoạt động ban đêm, ban ngày trốn dưới lá cây. Ngài cái đẻ trứng ở gần cuống hoặc ở các khe nứt trên quả, đặc biệt những quả bị khuất ánh sáng.

- Sau khi nở, sâu non di chuyển xuống chóp quả rồi đục vào trong. Sâu tuổi nhỏ chỉ đục phần thịt quả, nhưng sâu tuổi lớn đục vào cả hạt sâu bên trong, rồi di chuyển sang quả khác, nên có khi cả chùm 4 – 5 quả đều bị sâu hại.

Khi đẫy sức, sâu non buông mình chui xuống đất hóa nhộng. Những quả bị sâu đục vào ban đêm, sáng hôm sau trông thấy dịch lỏng tiết ra từ vết đục, sau đó vết đục khô thành chấm đen.

Vết sâu đục tạo điều kiện phát triển cho nấm và vi khuẩn, khiến phần thịt ở chóp quả bị thối nhũn. Trong mỗi quả thường có tới 4-5 con sâu gây hại.

3. Biện pháp phòng trừ

Các loài sâu đục quả xoài rất khó để phòng trừ bằng biện pháp đơn lẻ thông thường, do trưởng thành có khả năng bay và di chuyển rất nhanh. Cần phải kết hợp nhiều biện pháp kỹ thuật tổng hợp để phòng trừ chúng như:

- Tiến hành tỉa cành và tạo tán giữ cho vườn thông thoáng. Sau mỗi lần thu hoạch xoài (tháng 7-8) tiến hành công việc như sau:

+ Tỉa cành lá gần mặt đất.

+ Tỉa cành tăm, cành bị sâu bệnh hại.

+ Tỉa cành vượt hoặc cành mọc ngược trong tán.

- Bón phân cân đối để tăng sức chống chịu với sâu hại:

+ Sau khi thu hoạch quả, mỗi cây bón 15-20kg phân chuồng, 2kg N:P:K (tỷ lệ 22:5:10) và 1kg vôi bột.

+ Trước lúc ra hoa, khi đợt lộc thứ hai chuyển màu xanh nõn chuối thì bón thêm 1kg N:P:K (tỷ lệ 22:5:10).

+ Khi mới đậu quả (lúc quả dạng trứng cá) thì phun thêm phân bón lá.

- Cách bón phân: Tiến hành đào hố theo hình chiếu tán sâu 30cm rộng 30cm, rồi rải phân xuống hố và lấp đất.

- Làm cỏ xới xáo vườn xoài để loại bỏ nhộng của sâu đục quả.

- Thu dọn tàn dư trong vườn xoài: Thu gom những quả rơi rụng, mang tiêu hủy để tiêu diệt nguồn sâu còn tồn tại trong những quả rụng. Có thể tiêu hủy bằng cách ngâm quả xoài rơi rụng trong bể có chứa nước vôi 1%. Không được chôn dưới đất vì sâu đục quả có sức sống cực mạnh, có thể đục lỗ chui lên khỏi mặt đất.

- Thăm vườn và kiểm tra thường xuyên để phát hiện sâu đục quả khi chúng bắt đầu gây hại để kịp thời phòng trừ.

- Tiến hành bao quả bằng túi bao chuyên dụng. Bao quả góp phần quan trọng nhằm nâng cao giá trị thương phẩm đối với các giống xoài Đài Loan và Úc vì các giống xoài này có đặc điểm quả to, cây thấp, dễ bao quả và chi phí hợp lý. Tuy nhiên, đối với giống xoài địa phương (xoài Hôi và xoài Tròn) cây quá cao, quả lại quá nhỏ, chi phí công và bao quả cao, cần tính toán giữa chi phí đầu tư và thu nhập trước khi tiến hành bao quả. Thời điểm bao quả là trước lúc sâu đục quả xoài bắt đầu gây hại, khi đó quả xoài có đường kính 0.8 cm. Có thể bao quả muộn hơn khi quả xoài to bằng quả trứng gà nếu trong trường hợp đã sử dụng thuốc trừ sâu trước khi bao quả.

- Nếu thấy quả bị sâu gây hại thì có thể dùng một trong các lọai thuốc có hoạt chất như: Abamectin (Catex 3.6EC; Javitin 36EC; ...); Spinosad (Akasa 25SC, 250WP; ...); Abamectin + Azadirachtin (Agassi 55EC; ...); ...  để phun (nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất của mỗi loại thuốc để phòng trừ sinh vật hại) phun kép 2 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày. Lần 1 phun lúc quả nhỏ dưới 0.8cm, lần 2 cách lần 1 khoảng 10 ngày.

- Quét vôi thân cây xoài sau mỗi lần thu hoạch để phá vỡ nơi trú ngụ của sâu đục quả xoài./.

Tác giả: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1